Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho toàn bộ doanh nghiệp trong năm 2020.
Chờ đợi hoàn thiện hướng dẫn
Ngày 15.9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô con trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, với số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3 nộp chậm nhất là ngày 20.9, tháng 4 chậm nhất vào ngày 20.10, tháng 5 chậm nhất vào ngày 20.11. Các tháng 6, 7, 8, 9 và 10 nộp chậm nhất vào ngày 20.12.
Ngay sau khi Nghị định 109 ban hành, Tổng cục Thuế đã có công điện gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước, yêu cầu kịp thời triển khai thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo quy định mới để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chủ trương giãn thuế tiêu thụ đặc biệt giúp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô duy trì dòng tiền |
Trước đó, ngày 29.5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19, đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô trong nước đến hết năm 2020; cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước phát sinh từ tháng 3. Thời gian gia hạn không muộn hơn ngày 31.12.2020.
Vậy nhưng phải tới ngày 15.9, Nghị định 109/2020/NĐ-CP mới được ban hành. Theo các doanh nghiệp ô tô, nghị định ra đời sau khi Nghị quyết 84/NQ-CP ban hành gần 4 tháng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết theo quy định, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sau khi bán phải nộp ngay. Thuế phát sinh trong tháng 3 doanh nghiệp sẽ phải nộp trước ngày 20.4 và cứ tiếp tục như vậy với các tháng sau. Do không có hướng dẫn cụ thể, phải chờ soạn thảo nghị định nên các Cục Thuế địa phương vẫn thu và doanh nghiệp vẫn phải nộp như bình thường.
Tính đến thời điểm này, đa số các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã nộp xong thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trong kỳ từ tháng 3 đến hết tháng 7. Như vậy, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh trong các tháng 8, 9 và 10 sẽ được gia hạn chưa phải nộp. Thời gian gia hạn cũng chỉ đến 20.12.2020 là chấm dứt. Đến khi đó, doanh nghiệp nào còn nợ sẽ phải nộp đầy đủ. Thời gian doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế còn khá ngắn.
Các doanh nghiệp ô tô phải chờ đợi chính sách hỗ trợ quá lâu |
Mục đích của việc giãn thuế giúp cho doanh nghiệp duy trì dòng tiền trong lúc gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, chủ trương có từ cuối tháng 5 nhưng tới giữa tháng 9 mới chính thức áp dụng đã khiến doanh nghiệp chờ đợi quá lâu.
Giá xe có giảm?
Theo các doanh nghiệp, việc giãn thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp cho giá ô tô giảm bởi doanh nghiệp chỉ được lùi thời hạn nộp vào chu kỳ sau chứ không được miễn và vẫn phải nộp đầy đủ.
Giá xe ô tô chỉ có thể giảm khi thuế giảm. Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho toàn bộ doanh nghiệp trong năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Ngoài ra, để kích cầu, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% nhằm giảm chi phí cho người tiêu dùng, kích cầu sau dịch.
Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi theo hướng giảm thì giá ô tô trong nước sẽ giảm, tăng khả năng cạnh tranh |
Nếu những chính sách này được áp dụng thì các doanh nghiệp ô tô cũng được hưởng. Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ được giảm 50% thuế VAT, giúp giá ô tô giảm. Khi đó, giá mỗi chiếc xe có thể giảm thêm khoảng 5% nữa so với hiện nay.
Các doanh nghiệp ô tô cho hay từ đầu năm 2020 đến nay gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19. Nhu cầu về vận tải, đi lại của người dân và các doanh nghiệp giảm mạnh. Số lượng khách hàng có nhu cầu mua xe đã giảm sút đáng kể, dẫn tới số lượng hợp đồng ký mới giảm mạnh. Những yếu tố trên đã trực tiếp ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo số liệu từ VAMA, doanh số bán hàng 8 tháng năm 2020 của các đơn vị thành viên đạt 151.903 xe các loại, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe ô tô du lịch giảm 26%; xe thương mại giảm 22% và xe chuyên dụng giảm 36%. Dự báo cả năm 2020 doanh số giảm 15% so với năm 2019.
Để kích thích tiêu dùng, Chính phủ đã giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28.6 tới hết năm 2020. Ngoài ra, các doanh nghiệp và đại lý bán lẻ cũng có chính sách hỗ trợ thêm cho khách hàng mua xe.
Tuy nhiên, tồn kho vẫn cao. Theo số liệu của VAMA, hiện tồn kho ô tô vẫn cao hơn 120% so với cùng kỳ 2019. Tồn kho lớn, nên nhiều doanh nghiệp đã phải đại hạ giá, chấp nhận thua lỗ. Theo các doanh nghiệp, chi phí cơ bản hàng tháng rất lớn, trong khi nguồn thu từ kinh doanh giảm mạnh sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính, nếu kéo dài sẽ phá sản.
Như kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 của Công ty Ô tô VinFast cho thấy lỗ ròng lên tới 6.591 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Từ khi ra mắt đến nay, các mẫu xe của VinFast đều bán lỗ từ hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng mỗi chiếc.
Trong Nghị quyết 48/NQ-CP, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được sửa đổi theo hướng giảm thì giá ô tô trong nước sẽ giảm, tăng khả năng cạnh tranh.
Theo Vietnamnet