"Du khách nước ngoài vào Việt Nam phải đảm bảo tiêm đủ mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, được xét nghiệm đầy đủ theo quy định", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Chiều 21.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (Bộ VHTTDL) và các địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh về phương án đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới.
Đề xuất 3 giai đoạn mở lại du lịch quốc tế
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, một số địa phương như Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế.
Trong đó, Khánh Hòa, Quảng Nam và Đà Nẵng đã có tờ trình Thủ tướng xin phép được đón khách du lịch quốc tế trong tháng 11 với điều kiện đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho người lao động; khách đi tour trọn gói, lưu trú tại khách sạn được lựa chọn và không tiếp xúc với cộng đồng dân cư.
Quảng Nam là một trong 4 địa phương được đề xuất đón khách quốc tế từ tháng 11.
Trên cơ sở đề xuất và tình hình thực tế của từng địa phương, Bộ VHTTDL đề xuất định hướng, lộ trình mở lại hoạt động du lịch quốc tế gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ tháng 11.2021 thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 từ tháng 1.2022, mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ.
Khách có thể tham gia chương trình du lịch kết hợp nhiều điểm đển sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày, trước mắt kết nối Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh.
Giai đoạn 3 từ quý II/2022 mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo địa phương, bộ, ngành tập trung thảo luận một số nhiệm vụ chính để mở lại hoạt động du lịch quốc tế, như: Quy định điều kiện đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; quy trình nhập xuất cảnh; cấp phép bay, bảo đảm an toàn trong và sau chuyến bay...
Du khách phải đảm bảo tiêm đủ mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch quốc tế khẩn trương nhưng phải bảo đảm đầy đủ quy định, triển khai khoa học, an toàn.
Đối với giai đoạn 1, việc đón du khách nước ngoài đến 5 tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh phải nêu rõ, chi tiết điểm đến, khu du lịch, nghỉ dưỡng cụ thể. Ví dụ, khách quốc tế đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) không phải là toàn bộ đảo, mà có quy định cụ thể là những địa điểm nào.
Những du khách hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày, muốn tiếp tục đi tới những điểm đến khác thì phải thực hiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khách quốc tế đến Việt Nam phải đảm bảo an toàn
Đối với giai đoạn 2, ngoài 5 địa phương đã nêu, các tỉnh/thành phố khác có thể đăng ký để thí điểm đón khách nước ngoài phù hợp với chiến lược vaccine và tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong trường hợp địa phương sẵn sàng tham gia giai đoạn 2 từ trước tháng 1/2022, Bộ VHTTDL sẽ xem xét, quyết định.
“Du khách nước ngoài khi vào Việt Nam phải an toàn về dịch bệnh, tiêm đủ mũi vaccine, hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, được xét nghiệm đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế”, Phó thủ tướng lưu ý.
Phó thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn việc đón khách du lịch trong giai đoạn đầu để địa phương căn cứ vào đó thực hiện.
Đối với thủ tục nhập cảnh, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, tổ chức công tác nhập xuất cảnh cho khách du lịch thuận lợi, an toàn.
Bộ Y tế quy định cụ thể về thời điểm, phương thức, loại xét nghiệm dành cho du khách quốc tế; tập huấn cho nhân viên ở khách sạn, khu du lịch, điểm đến… hướng dẫn, giám sát du khách tự lấy mẫu xét nghiệm.
Theo Zing