Ngày 9.3, một bé trai 3 tuổi tử vong sau khi rơi từ tầng 20 xuống tầng 6 một tòa nhà ở TP Nam Định.
Điều đáng nói là cháu bé thiệt mạng trong khoảng thời gian lẽ ra đang ở lớp học tầng 3 cùng tòa nhà này.
Đây không phải lần đầu tiên trẻ mầm non bị tai nạn thương tâm ở trường học. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thỉnh thoảng lại có tin có trẻ bị ngã, rơi từ cao xuống trong thời gian đi học. Cuối tháng 10.2017, tại Trường Mầm non Dân Chủ (Tứ Kỳ), một cháu bé 3 tuổi cũng bị ngã từ tầng 2 xuống nhưng may mắn thoát chết. Nhà trường lẽ ra phải là nơi an toàn chỉ sau mỗi gia đình thì dường như giờ đây lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Trẻ ở lứa tuổi mầm non cũng như học sinh tiểu học, THCS đều rất hiếu động nên nếu cơ sở vật chất trường học không bảo đảm an toàn rất dễ gây tai nạn thương tích cho các em. Ngoài việc bị ngã, đã có những trường hợp học sinh bị điện giật hay trần nhà, cổng trường đổ vào người. Đây là những tai nạn hoàn toàn do cơ sở vật chất của nhà trường chưa bảo đảm an toàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non và trường phổ thông. Song các quy định đều rất chung chung, không được định lượng rõ ràng như "Ban công và cầu thang có tay vịn, lan can chắc chắn", "Bàn ghế vững chắc, mặt bàn nhẵn, góc bàn không nhọn, bảo đảm khoảng cách theo quy định"... Vì vậy, trường học được đánh giá đạt các quy định chưa chắc đã thực sự an toàn cho học sinh. Hay như trong tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế trường mầm non chỉ khuyến cáo không nên xây dựng cao quá 3 tầng chứ không quy định cứng về độ cao. Chính vì vậy, trường tư thục như nơi vừa xảy ra tai nạn ở Nam Định mới thuê tầng 3 ở một tòa nhà có hơn 20 tầng để mở trường.
Bên cạnh sự bất cập về quy định, thời gian gần đây, tai nạn trong trường học xảy ra nhiều còn do giáo viên và các trường lơ là việc trông nom học sinh, hướng dẫn các em giữ an toàn cho bản thân và bè bạn trong những lúc ngoài giờ học. Các trường chưa sâu sát rà soát cơ sở vật chất để kịp thời khắc phục những công trình có thể gây nguy hiểm cho học sinh. Chính vì vậy, tai nạn cứ xảy ra ở mỗi nơi một kiểu.
Trẻ gặp tai nạn khi đến trường không chỉ gây tổn hại sức khỏe cho các em mà còn làm tất cả phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để trường học thực sự là nơi an toàn cho trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định cụ thể, rõ ràng, có định lượng về các tiêu chí cơ sở vật chất trường học bảo đảm an toàn cho học sinh. Ngành giáo dục cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí đó. Các trường cũng cần tăng cường hướng dẫn, giáo dục học sinh về việc tự bảo đảm an toàn cho bản thân và rút kinh nghiệm từ những trường hợp tai nạn thương tích đã xảy ra ở các nơi để phòng tránh hiệu quả.
SONG KHUÊ