Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến các hoạt động vui chơi của trẻ em bị gián đoạn. Để trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, bổ ích, đây thực sự là “bài toán” đối với nhiều phụ huynh trong những ngày này.
An toàn là trên hết
Kỳ nghỉ hè diễn ra vào đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trẻ không đến trường nhưng cũng không thể tham gia các lớp học kỹ năng, năng khiếu, đi du lịch. Một số nơi, trẻ còn phải hạn chế ra ngoài để đảm bảo giãn cách xã hội, phòng, chống dịch. Do vậy, bảo đảm an toàn, giữ gìn sức khỏe và ổn định tâm lý cho trẻ là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Xuân Phượng ở Phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, doanh nghiệp nơi chị làm việc đã tăng cường nhiều biện pháp phòng dịch cho người lao động nên vợ chồng chị vẫn đi làm. Không có người thân ở gần, để con gái 8 tuổi ở nhà một mình, chị dặn con không tự ý mở cửa ra ngoài hay sang nhà hàng xóm, cho con sử dụng điện thoại di động để có gì cần thiết sẽ liên hệ người lớn và xem phim hoạt hình, chuẩn bị sẵn bữa ăn cho con, song chị vẫn thường trực nỗi lo. Để con không “lang thang” trên mạng xã hội suốt cả buổi khi không có sự giám sát, hướng dẫn của người lớn, làm sao để con không nghịch các vật dụng trong nhà vì có thể làm hỏng hay dẫn đến nguy hiểm tính mạng là điều chị rất băn khoăn.
Theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh, để trẻ có những ngày hè an toàn, nhất là trong thời điểm này nhiều nơi đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, trước khi đi vắng, điều trước tiên phụ huynh cần dặn trẻ là không tự ý đi ra ngoài. Ở nhà, trẻ cần được hướng dẫn các kỹ năng ứng phó đơn giản, các số điện thoại có thể liên lạc đề phòng các tình huống xảy ra. Với trẻ ở các vùng ven thành phố, thôn quê dù có thuận lợi hơn là các gia đình thường có người lớn ở nhà song vẫn cần để ý, dặn trẻ không tự ý ra kênh, hồ, sông.., rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước.
Cùng nhấn mạnh về việc đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là khi trẻ ở nhà, được sử dụng các thiết bị điện tử, Tiến sỹ tâm lý Bùi Hồng Quân, Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng, mạng xã hội đã trở nên phổ biến không chỉ với người lớn mà với cả trẻ em. Nhất là trong dịp hè và nghỉ để phòng, chống dịch, không đến được các lớp học kỹ năng, các buổi sinh hoạt dã ngoại, các con sẽ lên mạng internet tìm kiếm thông tin, giải trí nhiều hơn. Quá trình tìm kiếm các thông tin, tải các trò chơi, có khi các con vô tình để lại nhiều thông tin cá nhân của bản thân và thậm chí của gia đình dẫn đến tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng. Trên mạng có nhiều thông tin giáo dục, giải trí rất bổ ích nhưng cũng có những thông tin, trò chơi không phù hợp, từ đó dễ có suy nghĩ lệch lạc, hành động tiêu cực, nguy hiểm dẫn đến bị xâm hại hoặc bị đe dọa, “bắt nạt” trực tuyến. Chưa kể, việc sử dụng liên tục thiết bị điện tử trong thời gian quá lâu sẽ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe. Do đó, phụ huynh cần trò chuyện, lưu ý với con trước khi cho phép con được sử dụng các thiết bị và kết nối internet. Để trẻ hiểu và có ý thức tự giác, phụ huynh cũng nên lắng nghe, động viên con chia sẻ để hiểu trẻ đang cần tìm hiểu những thông tin gì, có phù hợp hay không và tôn trọng con trong phạm vi cho phép, tránh trường hợp trẻ có những phản ứng tiêu cực do cảm thấy bị áp đặt hay cấm đoán một cách cứng nhắc.
Hướng trẻ vào các hoạt động bổ ích, phù hợp
Là một phụ huynh, đồng thời cũng là giáo viên, chị Nguyễn Thu Thảo ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, gần 3 tuần nay, cả Thành phố thực hiện giãn cách, hạn chế nhiều hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, có thời gian ở nhà với con, chị động viên con lớn đang chờ kỳ thi vào lớp 10 Trung học Phổ thông không căng thẳng, lo lắng mà vừa ôn bài vừa dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Với con gái nhỏ đang học Tiểu học, chị hướng dẫn con cùng làm một số loại bánh đơn giản, khích lệ con vẽ tranh. Đặc biệt, với cả hai con, chị đều trò chuyện để biết mỗi con thích đọc những cuốn sách nào, tư vấn những cuốn sách hợp lứa tuổi và đặt mua cho con.
Theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, để trẻ phát triển toàn diện mà trước mắt là trong kỳ nghỉ hè khá “đặc biệt” này trẻ vẫn có được tâm lý vui vẻ, phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần, phụ huynh nên tranh thủ thời gian hướng dẫn trẻ (tùy theo lứa tuổi) tham gia các hoạt động như dọn vệ sinh trong nhà, tập các động tác thể dục phù hợp không gian trong gia đình, đọc những cuốn sách hay, tập chuẩn bị một bữa ăn đơn giản. Đây là những việc mà có thể trong suốt cả năm học bận rộn, trẻ chưa được hướng dẫn và thực hành.
Một số chuyên gia tâm lý, giáo dục cho rằng khuyến khích trẻ đọc những cuốn sách hay là một trong những hoạt động phổ biến và phù hợp với trẻ em ở nhiều lứa tuổi trong dịp nghỉ hè, nhất là thời điểm dịch bệnh ở một số nơi đang xảy ra, các lớp học kỹ năng, sinh hoạt tập thể đều bị trì hoãn. Tuy nhiên, để trẻ có hứng thú với những trang sách, phụ huynh cần lắng nghe, tôn trọng sở thích của con, chọn những cuốn sách phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ.
Theo nhà giáo Lâm Minh Trang, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, phụ huynh nên gợi mở, động viên để trẻ có thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin, khám phá thế giới xung quanh qua những trang sách, để trẻ dần lớn lên, trưởng thành cùng trang sách. Phụ huynh cần chú ý đừng ép buộc hay nói kiểu “truyền lệnh” vì sẽ khó đạt được hiệu quả khi trẻ cảm thấy không thoải mái về mặt tâm lý.
Theo TTXVN