Nếu có sự phối hợp giữa hai cấp ủy sẽ giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện và khắc phục được những sai lầm có thể xảy ra.
Hằng năm, cứ đến dịp đầu xuân mới là nhiều chi bộ thôn, khu dân cư lại tổ chức cho đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị… sinh hoạt tại nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW ngày 15.6.2000 của Bộ Chính trị. Mục đích của quy định này là để đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú và nhằm tăng cường quản lý đảng viên.
Mặc dù vậy, theo dư luận, trong nhiều năm qua, việc thực hiện Quy định 76 vẫn còn hạn chế do nhận thức của cấp ủy về tầm quan trọng của quy định này cũng như phương thức thực hiện ở một số nơi còn lúng túng, nhàm chán. Sự chỉ đạo của một số cấp ủy cả nơi đảng viên công tác lẫn nơi cư trú đối với đảng viên sinh hoạt “hai chiều” còn thiếu sự phối hợp, dẫn đến kết quả chưa cao.
Việc "giữ mối liên hệ" nơi đảng viên cư trú còn mang tính hình thức, mỗi năm chỉ 1-2 kỳ, cá biệt có nơi không thực hiện. Nội dung nặng về nghe thông báo tình hình kinh tế-xã hội một chiều; thiếu sự quan tâm đóng góp, xây dựng của đảng viên đang công tác, hoặc nếu có ý kiến thì thường là chung chung, không nêu được những hạn chế và những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong nhận xét đối với đảng viên thuộc diện này hằng năm thường chưa thể hiện được ý kiến của tập thể chi ủy mà chỉ do bí thư xác nhận.
Nhiều cấp ủy nơi đảng viên đang công tác cũng thiếu sâu sát, kiểm tra, liên hệ với chi ủy nơi đảng viên cư trú. Chưa coi trọng nhận xét của chi bộ nơi cư trú nên đã có hiện tượng đánh giá cán bộ không thống nhất, bỏ qua những sai phạm của đảng viên. Việc nhận xét cán bộ, đảng viên đương chức hiện nay vẫn do đảng viên tự liên hệ với cơ sở nên dễ dẫn đến qua loa, xuê xoa, thậm chí tiêu cực, bỏ qua những biểu hiện suy thoái được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Để Quy định 76 ngày càng phát huy tác dụng, nhất là trong tình hình mới, khi toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu ở cả “nơi đi” và “nơi đến”. Đây là công việc quan trọng, cấp thiết vì nơi cư trú là môi trường đảng viên và gia đình họ sinh sống. Mọi lời nói và hành động (tốt hay chưa tốt) đều ảnh hưởng đến quần chúng nhân dân. Thực tế đã có những trường hợp ở đơn vị, cơ quan thì tỏ ra gương mẫu, nhưng về nơi cư trú lại bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Nếu có sự phối hợp giữa hai cấp ủy sẽ giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện và khắc phục được những sai lầm có thể xảy ra.
Ngoài việc quán triệt nội dung, mục đích đưa cán bộ, đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú theo Quy định 76, các cấp ủy cần nhận thức sâu sắc một số văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ trên. Đó là Quy định số 218-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quy định số 101- QĐ/TW ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Theo đó, đảng viên đương chức phải tự phê bình, báo cáo trước chi ủy, ban công tác mặt trận, đại diện nhân dân ở nơi cư trú. Thực hiện đúng như vậy thì sinh hoạt của đảng viên “hai chiều” sẽ rất phong phú và bổ ích, không còn đơn điệu.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Quy định 76 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề quản lý, giám sát và nêu gương của cán bộ, đảng viên đương chức cũng như nơi cư trú, thực hiện cải tiến nội dung sinh hoạt là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
NGUYỄN THẾ (Phường Hải Tân, TP Hải Dương)