Để thành phố thêm xanh. Bài 1: Một thời rợp bóng cây xanh

29/06/2017 08:03

Muốn có đô thị văn minh với hệ thống cây xanh phát triển hợp lý và khoa học, đòi hỏi các cấp chính quyền và nhân dân thành phố phải cố gắng hơn nữa.



Đô thị Hải Dương đầu thế kỷ 20 đã trồng nhiều cây xanh. Ảnh tư liệu

Cây xanh là một phần không thể thiếu ở mỗi đô thị hiện đại và văn minh. Để xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020 thì tiêu chí cây xanh đô thị càng cần được quan tâm. Muốn có đô thị văn minh với hệ thống cây xanh phát triển hợp lý và khoa học, đòi hỏi các cấp chính quyền và nhân dân thành phố phải cố gắng hơn nữa.

Thị xã xanh

Ngày 30.10.1954, thị xã Hải Dương được thành lập với tổng diện tích tự nhiên khoảng 4 km2, dân số khoảng 40.000 người. Trước đó, diện tích cây xanh đã được hình thành và phát triển từ thời thuộc Pháp. Tuy nhiên, người Pháp chỉ chú trọng phát triển cây xanh ở xung quanh trụ sở, công xưởng nơi họ làm việc. Đến nay, các cây sấu, đa, bàng cả trăm năm tuổi còn hiện hữu trong khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy (dinh Công sứ xưa), UBND tỉnh (dinh Tổng đốc xưa), trong Nhà máy Chế tạo bơm Hải Dương (Nhà máy Rượu xưa), Sở Giao thông vận tải (Sở Lục lộ cũ)... Trong số này, trong khu vực Nhà máy Chế tạo bơm có nhiều cây xanh nhất, nhưng cũng là nơi cây xanh ít bị biến đổi nhất trong quá trình phát triển thành phố. Ngoài ra, một số cây xanh cũng được người dân trồng trên các phố cổ, quanh nhà ga, bến xe...

Ông Ngô Văn Hanh (76 tuổi), Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, từng nhiều năm giữ chức Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Xây dựng), sinh sống ở thị xã Hải Dương từ năm 1959. Ông Hanh vẫn nhớ như in nhiều tuyến phố ở thị xã Hải Dương xưa rợp bóng cây xanh như đường Hồng Quang, Trần Hưng Đạo với những tán xà cừ cổ thụ; trên đại lộ Hồ Chí Minh quanh sân vận động thành phố, cổng Công an tỉnh luôn rợp bóng mát của những cây lát già; trên các đường phố Quang Trung, Nguyễn Du, Bạch Đằng là những dãy bàng cổ thụ… Tất cả đã làm nên một thị xã Hải Dương xanh, đẹp và thanh bình.

Nhiều năm gắn bó với TP Hải Dương, ông Vũ Đình Tạo (66 tuổi), nguyên cán bộ quản lý Công ty Thị chính Hải Dương - tiền thân của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương nhớ lại: Nội thị thị xã Hải Dương sau ngày đất nước thống nhất có khoảng 10.000 cây xanh, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ. Đi dưới những hàng cây khi ấy là cách nhiều người "chạy trốn" khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của đô thị. Cây xanh thực sự trở thành “lá phổi xanh” không thể thiếu đối với đời sống của người dân thị xã.

"Lá phổi xanh" bị tàn phá

Từ cuối những năm 80 và nhất là những năm 90 của thế kỷ trước khi cả tỉnh bước vào công cuộc đổi mới thì nhà nhà mặt phố ở thị xã Hải Dương bung ra mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán; nhiều đường phố được mở rộng, vì thế nhiều cây xanh cũng bị chặt bỏ. “Lá phổi xanh” của thành phố từng bước bị thu hẹp để xây dựng các nhà máy, khu dân cư, khu đô thị mới...

 Kỹ sư Phạm Trí Thức ở phố Bùi Thị Xuân năm nay 77 tuổi, là người từng nhiều năm tham gia các hoạt động quy hoạch xây dựng đô thị xót xa nói: “Tôi còn nhớ không gian đô thị ở các khu vực trung tâm thị xã khi đó bị khai thác triệt để để xây dựng các loại công trình. Diện tích mặt nước và cây xanh bị thu hẹp. Quy hoạch diện rộng cứ lo lấp kín các khu đất lớn bằng các loại công trình, còn người dân thì lại tìm cách “bít kín” số mét vuông hiếm hoi còn lại trong nội thành. Không gian sống ở thị xã vì thế trở nên ngột ngạt, không còn khoảng trống cho cây xanh phát triển”.



Phố bàng Quang Trung luôn rợp bóng cây xanh


Tiếc nuối khi từng mảng xanh của thị xã dần biến mất, ông Nguyễn Văn Minh ở phường Nguyễn Trãi kể: Tôi nhớ bắt đầu thời kỳ đổi mới, thị xã lo tập trung phát triển kinh tế hơn là bảo vệ cây xanh. Hàng nghìn cây bạch đàn, phi lao ven đường thôn xóm, đường đi trên các cánh đồng ở khắp nơi bị đốn hạ. Cùng với đó là cảnh đào bới các cánh đồng để xây dựng các lò gạch thủ công ở Tứ Minh, Việt Hòa. Hàng trăm cây xanh ở các tuyến đường Thanh Niên, Nguyễn Lương Bằng... bị chặt phá để mở phố, xây dựng nhà cửa. Nhiều cây xanh ở Bình Hàn, Cẩm Thượng, Tân Bình, Thanh Bình, Ngọc Châu, Nhị Châu bị chặt hạ để mở rộng đường làng, ngõ xóm, khu dân cư...

Đến nay, không có số liệu chính thức nào kiểm đếm được đã có bao nhiêu cây xanh bị đốn hạ trong giai đoạn ấy. Chỉ có những ai đã từng nhiều năm gắn bó với thị xã Hải Dương và biết quý trọng giá trị của cây xanh mới thấy hết sự xót xa khi từng mảng xanh của thành phố bị mất đi.

THÚY HÀ - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để thành phố thêm xanh. Bài 1: Một thời rợp bóng cây xanh