Để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp

11/07/2011 12:02

Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ góp phần tạo điều kiện cho hai bên cùng có lợi, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, nông dân chủ động về đầu ra cho sản phẩm...



Doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu Hùng Sơn (Ninh Giang) liên kết với nông dân trồng ớt xuất khẩu


Mỗi khi đến mùa vải, về Thanh Hà chứng kiến cảnh những cây vải chín trĩu quả đã đến thời điểm thu hoạch nhưng người nông dân để vải rụng hoặc phải bán với giá rẻ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cách đây hơn 10 năm, người người, nhà nhà ở Thanh Hà trồng vải với hy vọng việc chuyển đổi cây trồng sẽ tạo bước ngoặt mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhưng những năm gần đây, điệp khúc "được mùa - mất giá" khiến người trồng vải đứng ngồi không yên. Lúc này người ta mới đổ lỗi cho công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và việc xây dựng mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp trong thu mua nông sản còn yếu, kém.

Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ góp phần tạo điều kiện cho hai bên cùng có lợi, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa được sản phẩm, đáp ứng được ngày càng nhiều nhu cầu của khách hàng, nông dân chủ động về đầu ra cho sản phẩm. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh cũng có những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hiệu quả như: Cơ sở chế biến gia vị Hồng Sơn ký hợp đồng với nông dân thu mua các loại rau gia vị tươi, Công ty Giống cây trồng Hải Dương ký hợp đồng với các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cung ứng các giống lúa nguyên chủng, Doanh nghiệp tư nhân Hùng Sơn ký hợp đồng với nông dân trồng và cung ứng cho doanh nghiệp các loại dưa chuột xuất khẩu... Từ những mô hình này cho thấy, chỉ khi nào người nông dân và doanh nghiệp cùng thống nhất được lợi ích thì mối liên kết mới bền vững. Tuy nhiên, không phải sự gắn kết nào cũng bền chặt, êm thấm.

Năm 1999, thông qua Hội Nông dân Chí Linh, Doanh nghiệp Chế biến nông sản xuất khẩu Hùng Sơn (Ninh Giang) đã ký hợp đồng với nông dân xã Chí Minh (Chí Linh) trồng 140 mẫu ớt xuất khẩu. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ xuống tận xã hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc. Nhưng khí ớt được bán, nông dân, thậm chí cả gia đình chủ tịch UBND xã cũng bán cho tư thương vì được trả giá cao hơn giá thu mua của doanh nghiệp. Kết quả, doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu, số tiền đầu tư gần 20 triệu đồng cho nông dân xã Chí Minh chưa thu hồi được...

Không riêng gì Doanh nghiệp Chế biến nông sản xuất khẩu Hùng Sơn, câu chuyện về mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân bị phá vỡ do một trong hai bên vi phạm hợp đồng sản xuất thường xuyên xảy ra. Theo ông Đàm Bá Lộc, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản xuất khẩu Đức Lợi: "Pháp luật chưa có một chế tài cụ thể nào để xử lý khi một trong hai bên phá vỡ hợp đồng. Bên cạnh đó, bản thân người nông dân có tập quán canh tác không theo kế hoạch, chạy theo giá cả thị trường, giá sản phẩm nào cao thì đua nhau trồng. Doanh nghiệp chi trả tiền cho nông dân không sòng phẳng, hoặc chất lượng nông sản người nông dân làm ra chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, chuyện đổ vỡ mối liên kết thường xuyên xảy ra. Doanh nghiệp vẫn nan giải với bài toán thiếu nguồn nguyên liệu trong khi nông dân vẫn phải đau đầu với câu chuyện được mùa mất giá".

Để gắn kết hơn nữa mối liên hệ giữa doanh nghiệp với nông dân, thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "liên kết 4 nhà", khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân, Sở Công thương đã xây dựng hai mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong cung ứng vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ nông sản cho nông dân bao gồm: mô hình liên kết doanh nghiệp- HTX dịch vụ nông nghiệp - nông dân thực hiện tại hai xã Toàn Thắng (Gia Lộc) và Hồng Đức (Ninh Giang) trên mô hình trồng cây bí ngô siêu ngọt. Mô hình thứ hai dựa trên mối liên kết giữa doanh nghiệp - hộ tiêu thụ nông sản và nông dân thực hiện với cây mủa tại hai huyện Kim Thành và Kinh Môn. Doanh nghiệp được chọn là Công ty CP Chế biến, nông sản, thực phẩm xuất khẩu Hải Dương sẽ chịu trách nhiệm cung ứng vật tư nông nghiệp, tập huấn phổ biến kỹ thuật canh tác cho nông dân. Hộ thu mua nông sản đóng vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp thu mua nông sản. Sở Công thương sẽ trực tiếp quản lý, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các điều khoản doanh nghiệp đã hợp đồng với nông dân và ngược lại giám sát việc thực hiện các quy trình sản xuất của nông dân. Các mô hình liên kết này sẽ được triển khai thực hiện đến hết năm 2012. Hy vọng rằng, việc thực hiện liên kết theo mô hình của Sở Công thương sẽ khắc phục những khó khăn vướng mắc hiện nay, vừa giúp doanh nghiệp chế biến nông sản về nguồn nguyên liệu, vừa giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản xuất.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp