Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị TAND TP Hà Nội tuyên mức án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn và tù chung thân với Hà Văn Thắm về tội tham ô tài sản.
Cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sau khi công bố bản luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên mức án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn còn Hà Văn Thắm - nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank tù chung thân về tội tham ô tài sản.
Đại diện VKS nhận định Hà Văn Thắm xuất phát từ động cơ cá nhân, chịu áp lực vì PVN là cổ đông lớn nên đã đề ra chủ trương chi lãi ngoài trong thời gian dài; công khai trên toàn hệ thống OceanBank, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Bị cáo đã thành lập Công ty Trung Dung là công ty sân sau để thu phí trái quy định. Tại tòa bị cáo chưa thành khẩn khai báo, chưa nhận ra sai phạm của mình. Hành vi của bị cáo không những gây thiệt hại cho Nhà Nước mà còn gây hậu quả cho các nhân viên dưới quyền.
Xét Hà Văn Thắm có nhiều thành tích trong quá trình công tác, không trực tiếp chiếm đoạt tiền nên VKS đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nguyễn Xuân Sơn chi phối, yêu sách, áp đặt để trục lợi
Theo đại diện VKS, Nguyễn Xuân Sơn là cán bộ PVN, được cử sang OceanBank đại diện cho phần vốn góp của PVN.
Từ động cơ cá nhân, Sơn đã lợi dụng chức vụ, chi phối, yêu sách, áp đặt Hà Văn Thắm chi lãi suất ngoài. Qua đó, Sơn chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn để chi tiêu cá nhân và chi cho một số mối quan hệ, gây ảnh hưởng xấu đến PVN - một rong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước.
Theo VKS, hành vi phạm tội của Sơn diễn ra trong thời gian dài, gần như công khai.
Tại cơ quan điều tra và tại tòa, bị cáo quanh co chối tội, đưa ra lý lẽ mang tính ngụy biện, coi thường pháp luật, thách thức giới hạn của pháp luật, không có ý thức khắc phục hậu quả vì vậy cần có mức án thật nghiêm khắc.
"Bị cáo có nhiều thành tích trong ngành dầu khí nhưng không đủ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự" - Đại diện VKS nhận định.
Theo đại diện viện kiểm sát, PVN là doanh nghiệp nhà nước, góp 800 tỉ đồng vào OceanBank. Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 246 tỉ đồng từ OcecanBank cũng là chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Trong số 246 tỉ đồng thì Nguyễn Xuân Sơn đã tham ô 49 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 179 tỉ đồng.
Tại tòa, Sơn khai đã đưa hàng chục tỉ đồng cho ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng PVN). Tuy nhiên, ông Quỳnh thừa nhận chỉ nhận 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn với tư cách cá nhân.
Ngoài lời khai Sơn không có gì chứng minh nên đại diện VKS nhận định Sơn phải chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt.
Đối với Hà Văn Thắm đã đưa cho Nguyễn Xuân Sơn 246 tỉ đồng để "chăm sóc" cho PVN là đồng phạm giúp sức cho Sơn tham ô 49 tỉ đồng và chiếm đoạt 179 tỉ đồng.
Hành vi vi phạm quy định trong cho vay
VKS xác định Hà Văn Thắm đã cho Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây Dựng vay 500 tỉ đồng thông qua pháp nhân là Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung.
Trong khi số tài sản đảm bảo cho ông Danh vay không có thật, không có tính pháp lý khiến OceanBank thiệt hại hơn 340 tỉ đồng.
VKS nhận định Thắm biết rõ Danh vay 500 tỉ đồng để thanh toán các khoản vay cho nhóm bà Hứa Thị Phấn chứ không phải để thực hiện dự án sân vận động Chi Lăng, tuy nhiên Thắm vẫn duyệt cho Danh vay.
Hành vi của Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn đã phạm vào tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Theo đại diện kiểm sát, căn cứ lời khai tại tòa và có đủ căn cứ xác định để có tiền chi chăm sóc khách hàng, Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank) đã sử dụng Công ty BSC (do Thắm lập ra) để thu phí các khách hàng vay vốn tại OceanBank.
Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank) đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 69 tỉ đồng từ Công ty BSC với vai trò là người khởi xướng, người thực hành.
Theo đại diện VKS, tại tòa Nguyễn Xuân Sơn khai nhận đã sử dụng hết số tiền nêu trên để chi cho các hoạt động đối ngoại của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Lời khai này của Sơn không có tài liệu gì chứng minh, do vậy Sơn phải chịu trách nhiệm về việc đã nhận 69 tỉ đồng từ Công ty BSC.
Đối với bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank), VKS cho rằng mặc dù tại tòa Thắm không thừa nhận việc lập Công ty BSC để chăm sóc khách hàng trái quy định, tuy nhiên căn cứ lời khai của các bị cáo khác tại tòa cho thấy Thắm lập công ty này để thu phí trái quy định của khách hàng.
Số tiền 69 tỉ đồng thu được, Thắm đã chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn để Sơn chiếm đoạt. Hành vi của Thắm đồng phạm với Sơn về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Về hành chi lãi ngoài gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỉ đồng:
VKS xác định Hà Văn Thắm đã chỉ đạo việc chi trả lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank. Đây là những khoản lãi suất không được thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký với OceanBank.
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 11.2014, tổng số tiền OceanBank đã chi cho chủ trương này là hơn 1.500 tỉ đồng. Trong số đó, chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn 246 tỉ đồng. Khoản tiền này không có khả năng thu hồi được.
Theo đại diện viện kiểm sát, việc chi lãi ngoài của các bị cáo đã để lại hậu quả là tiền đề cho tội tham nhũng phát triển, hậu quả nghiêm trọng hơn là đánh mất niềm tin của người dân đối với các chính sách của Nhà nước và tổ chức tín dụng khi tiền huy động từ khách hàng lại rơi vào túi một số đối tượng.
Việc chi lãi ngoài gây thất thoát cho OceanBank hơn 1.500 tỉ đồng, đẩy nợ xấu OceanBank chiếm 84% tổng dư nợ, kết quả là OceanBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Nhà nước phải gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho OceanBank. Trong đó PVN mất 800 tỉ đồng vốn đã góp vào OceanBank; Tổng công ty xây dựng Sông Đà mất hơn 200 tỉ đồng...
TÂM LỤA (Tuổi trẻ)