Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ chứ không chỉ 1 lần/nhiệm kỳ như tờ trình Quốc hội sửa đổi quy định này.
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tháng 6-2013 đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn
Chiều 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) đề nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ (cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ tư), thay vì một lần trong nhiệm kỳ (vào năm thứ 3) như tờ trình Quốc hội đề xuất sửa đổi. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đồng tình lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ. Ba đại biểu khác cũng phát biểu đồng tình quan điểm này.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về sửa đổi qui định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sau khi vấn đề này được thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội.
Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ (vào năm thứ 3), thay vì như qui định trước đây lấy phiếu định kỳ hàng năm, từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua lần đầu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ hằng năm, nhiều ý kiến đề nghị cần có sự điều chỉnh bởi nếu lấy phiếu tín nhiệm hàng năm hay 2 lần/nhiệm kỳ thì thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, không đủ để phản ánh đúng mức độ biến chuyển trong công tác của người được lấy phiếu. Điều này cũng khiến cho việc đánh giá dễ trở thành chủ quan, cảm tính.
Việc lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ sẽ khắc phục được hạn chế trên, gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ; đồng thời tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị trung ương 9 (khóa XI).
Nhiều ý kiến đề nghị không nên giữ 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, mà chỉ nên thiết kế hai mức.
Khi giải trình nội dung trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc sử dụng 2 mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” như một số ý kiến đề nghị sẽ gây nhầm lẫn với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm và không thể hiện đúng bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò mức độ tín nhiệm.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định 3 mức tín nhiệm là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ.
QUỐC THANH(Tuổi trẻ)