Chiều 16-7, HĐND tỉnh tiếp tục phiên họp tại hội trường, nghe các Ban của HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra nội dung các tờ trình của UBND tỉnh.
Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Hữu báo cáo thẩm tra về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng một số loại phí. Về cơ bản, báo cáo nhất trí với Tờ trình của UBND tỉnh về thu phí chợ May II, chợ Đọ mới; điều chính một số loại phí tại một số di tích: Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đền Cao - An Phụ, Động Kính Chủ; Đảo cò Chi Lăng Nam...
Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Hữu. Ảnh: Thành Chung
Tuy nhiên, về thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô-tô (dung tích xi-lanh đến 100 cm3 là 70 nghìn đồng/năm, trên 100 cm3 là 120 nghìn đồng/năm theo Quyết định 28/2012/QĐ-UBND ngày 21-12-2012), Ban Kinh tế - Ngân sách cho biết qua khảo sát ở một số tỉnh, thành phố trong khu vực thì mức thu tạm thời của tỉnh ta cao hơn. Qua đó, Ban Kinh tế- Ngân sách đề nghị HĐND tỉnh chưa thông qua phí sử dụng đường bộ đối với xe mô-tô tại kỳ họp này và kiến nghị năm 2013 cho phép tiếp tục thực hiện mức thu tạm theo Quyết định 28 đồng thời đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh giảm cho phù hợp với điều kiện của tỉnh và tương ứng với các tỉnh, thành phố trong khu vực, trình kỳ họp thứ 6 thông qua để thực hiện trong năm 2014...
Ban Kinh tế - Ngân sách cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình về việc hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020 của UBND tỉnh. Về nguyên tắc, mỗi xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng tối đa 1 chợ.
Với chợ hạng 2, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hỗ trợ làm 2 đợt. Đợt 1 hỗ trợ 50% kinh phí được hỗ trợ khi đự án bắt đầu khởi công xây dựng. Đợt 2 hỗ trợ 50% kinh phí sau khi quyết toán công trình.
Với chợ hạng 3, hỗ trợ 1 đợt khi dự án bắt đầu khởi công xây dựng.
Về mức hỗ trợ, đối với chợ hạng 3, hỗ trợ 500 triệu đồng/chợ; chợ hạng 2, hỗ trợ 20% kinh phí so với tổng vốn đầu tư, tối đa không quá 3 tỷ đồng/chợ; với chợ đầu mối nông sản, thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân sẽ hỗ trợ 15% kinh phí, tối đa không quá 4 tỷ đồng/chợ; với chợ do ngân sách trung ương hỗ trợ nếu kinh phí hỗ trợ chưa đạt mức như trên thì sẽ được hỗ trợ bổ sung kinh phí bảo đảm bằng mức quy định của tỉnh.
Với phương án hỗ trợ như trên, dự trù tổng nguồn vốn hỗ trợ cho 100 chợ (trong đó 3 chợ đầu mối, 7 chợ hạng 2 và 90 chợ hạng 3 thuộc địa bàn nông thôn, miền núi) trong giai đoạn 2013-2020 khoảng trên 80 tỷ đồng.
Nguồn vốn hỗ trợ được trích từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung hằng năm của ngân sách cấp tỉnh.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Mai. Ảnh: Thành Chung
Báo cáo thẩm tra về việc quy định mức học phí tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh do Trưởng Ban Văn hóa - xã hội Nguyễn Thanh Mai trình bày nhất trí về sự cần thiết phải quy định mức thu mới trong Tờ trình của UBND tỉnh để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Về mức học phí, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị không vượt trần quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP. Thời gian thực hiện từ năm học 2013-2014.
Kỳ họp nghe Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hoàng Ngọc Huyên báo cáo thẩm tra về tình hình chấp hành pháp luật 6 tháng đầu năm 2013.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hoàng Ngọc Huyên. Ảnh: Thành Chung
Sáu tháng đầu năm 2013, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hộ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nhiều cố gắng. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử có tiến bộ. Thi hành án dân sự có chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành luật pháp trong nhân dân được nâng lên.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tai nạn và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm chưa có chiều hướng giảm, tính chất của tội phạm nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi. Tội phạm về tham nhũng ít được phát hiện và xét xử chưa kịp thời. Tuy không phát sinh mới điểm khiếu kiện phức tạp, đông người nhưng vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Một số vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Tiến độ giải quyết một số vụ an hình chính còn chậm, số vụ việc thi hành án dân sự còn tồn đọng nhiều...
Thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân, nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ và cơ quan công quyền nhà nước. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài ở Lai Vu, chợ Cuối, chợ Đọ...
Tiếp đó, HĐND tỉnh nghe đồng chí Hoàng Mai Khương, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng UBND tỉnh đọc Tờ trình về việc thành lập các phường Ái Quốc, Thạch Khôi thuộc TP Hải Dương. Diện tích tự nhiên của xã Ái Quốc hiện là 819,29ha, dân số 12.033 người. Xã Thạch Khôi có diện tích tự nhiên 533,7ha, dân số 9.997 người.
Các xã Ái Quốc, Thạch Khôi có vai trò, vị trí quan trọng trong mở rộng diện tích đất nội thành, quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới, các khu tái định cư và phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại lớn để thực hiện chủ trương nâng cấp TP Hải Dương thành đô thị loại I trước năm 2020. Việc thành lập phường sẽ tạo điều kiện để Ái Quốc, Thạch Khôi phát triển nhanh và bền vững.
Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhất trí với Tờ trình của UBND tỉnh thành lập 2 phường Ái Quốc và Thạch Khôi. Tuy nhiên, 2 xã trên có một số tiêu chí còn thấp so với tiêu chuẩn quy định như cảnh quan kiến trúc đô thị còn hạn chế; chưa dành nhiều diện tích đất cho cây xanh; trật tự đô thị và vệ sinh môi trường chưa được hoàn thiện và cần sớm khắc phục...
SỸ THẮNG