Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu cơ chế đặc thù xử lý các vi phạm khi thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Chiều 10.10, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30/2021 về một số giải pháp cấp bách trong phòng chống Covid-19.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ thực hiện biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có các quyết định liên quan đến cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất...
Tuy nhiên, sau khi áp dụng biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán lại không xem xét yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng văn bản quy phạm pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý.
"Việc này gây ra tâm lý hoang mang cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và thanh quyết toán của cơ quan ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này", bà Thúy Anh nói.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu cơ chế đặc thù để xử lý những vi phạm khi thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tiếp tục đánh giá, phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong phòng chống dịch thời gian qua.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết tâm lý lo ngại, sợ sai sau vụ tiêu cực liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế xảy ra thời gian qua đã gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng đến phòng, chống dịch.
Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, biện pháp cấp bách phục vụ phòng, chống Covid-19 được thực hiện đến hết 31/12/2022. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp đến hết 31/12/2023 nhằm tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Dự báo tình hình Covid-19 còn có nguy cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch khác với quy định của luật theo quy định tại Nghị quyết số 30.
Theo quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Chính phủ, Thủ tướng đã áp dụng linh hoạt biện pháp chống dịch tại Nghị quyết 30; đạt mục tiêu kiểm soát được Covid-19, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận phòng, chống dịch còn tồn tại, như một số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước và được viện trợ, tài trợ có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra một trong những hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 30 là Việt Nam vẫn chưa cấp phép đăng ký, sử dụng cho bất kỳ vaccine Covid-19 nào sản xuất trong nước, dù trước đó là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công virus, được đánh giá là có tiềm năng trong nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19. Năm vaccine đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, gồm: Nanocovax, Covivac, Arct-154, Covid-19 Hipra và S-268019, trong đó có ba vaccine đã thử nghiệm giai đoạn 3. |
Theo VnExpress