Để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình

11/06/2012 14:17

Hiện nay trong sinh hoạt của Đảng, việc tự phê và phê bộc lộ những hạn chế: ngại tự phê bình và phê bình, né tránh, lựa chiều khi phê bình người khác...

Cách thức làm ở một số nơi còn hình thức, chiếu lệ, xuê xoa, dễ dãi, nặng phê bình chung chung mà chưa nghiêm túc tự phê bình.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nhấn mạnh tự phê bình và phê bình. Chúng tôi nhận thấy phải tiến hành tự phê bình và phê bình trong quá trình triển khai nghị quyết với những vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và những  nguyên tắc của tự phê bình và phê bình của Đảng. Xác định đây là quy luật phát triển của Đảng, là biện pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và là biện pháp căn bản để củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nắm được cốt lõi, giá trị của tự phê bình và phê bình để đảng viên xác định đúng đắn vai trò, trách nhiệm của mình khi tự phê bình và tham gia phê bình trong lần này.

Hai là, xác định đúng những nội dung cần tự phê bình và phê bình, có phương pháp thích hợp. Ở đây cần làm rõ trách nhiệm của người tự phê bình và người phê bình vì mỗi cán bộ, đảng viên đều lần lượt vừa là chủ thể vừa là đối tượng của tự phê bình và phê bình. Làm thế nào để người tự phê bình phải nghiêm túc nhận khuyết điểm, người phê bình phải khách quan, trung thực, chân thành và công khai. Đây là vấn đề rất khó. Bác Hồ đã dạy “Tự phê bình là thật thà nhận công khai trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”. Theo tôi, trước hết và không ai khác, người đứng đầu cấp ủy cần thực hiện tự phê bình nghiêm túc, thể hiện thái độ tôn trọng tập thể, vừa làm gương cho cấp dưới noi theo, có như vậy, cấp dưới mới nghiêm túc kiểm điểm mình, đồng thời cũng không giấu giếm khuyết điểm của mình. Bác Hồ cũng đã dạy, “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, thêm bớt, phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”. Phê bình phải nêu cao tính Đảng, đấu tranh không khoan nhượng với cái sai. Phê bình với mục đích xây dựng, dựa trên tình đồng chí. Phê bình có nội dung, địa chỉ, phải chỉ ra được đúng, sai, nguyên nhân và cách khắc phục, tránh phê bình chung chung, phê bình sau lưng người khác.

Ngoài ra, quá trình sinh hoạt tại chi bộ, do mỗi đảng viên có những đặc điểm, tính cách khác nhau, do đó khi phê bình cần chọn phương pháp phê bình phù hợp, vừa giữ vững nguyên tắc, vừa mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, làm cho đảng viên dễ tiếp thu, sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng.
Ba là, kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng. Việc phê bình của quần chúng đối với Đảng là nguồn cung cấp thông tin quan trọng và cần thiết cho tổ chức đảng nghiên cứu, xem xét, đánh giá hoạt động của mình, đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ và đảng viên. Quần chúng rất tinh tường trong đánh giá cán bộ, đảng viên. Do đó, việc quần chúng phê bình tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên là nhân tố không thể thiếu, không thể tách rời với tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng.

Bốn là, như tinh thần kiên quyết đấu tranh mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đưa ra, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, xác định thấy những tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm khuyết điểm và có sai phạm, tùy theo mức độ mà thực hiện kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng. Đây là việc làm cần thiết và sẽ có tác dụng thiết thực trong giáo dục cán bộ, đảng viên, đồng thời làm Đảng trong sạch, vững mạnh.

NGUYỄN VĂN THANH

(0) Bình luận
Để nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình