Để lúa hồi phục nhanh sau ngập úng

18/08/2012 07:23

Đối với các loại lúa mùa sớm bị ngập thời gian 1 - 4 ngày, khi nước rút đến đâu chủ động té rửa bùn đất bám trên lá lúa đến đó.

Nước rút còn hở 10-20 cm ngọn lá lúa dùng một trong các chế phẩm: Vườn sinh thái, A-H502/503, N-H602/603, K-H701/702, NT 001 phun cho lúa 3 lần liền, mỗi lần cách nhau 4-5 ngày để giúp cây lúa nhanh chóng hồi phục. Khi cây lúa hồi xanh trở lại tiếp tục chăm sóc lúa như những ruộng bình thường.

Những ruộng lúa ngập úng 5-7 ngày, hầu hết các lá bị úa vàng, thối hỏng, chỉ còn thân và đỉnh sinh trưởng có màu xanh. Những ruộng bị ngập úng loại này chỉ nên cứu khi lúa đang ở thời kỳ hồi xanh, đẻ nhánh (sau cấy khoảng 7 - 35 ngày). Công việc cần làm ngay là tát cạn nước ruộng, phun 5 lần một trong các chế phẩm trên, chú ý phun ướt gốc và phần thân lúa còn xanh. Lần phun 1-3, cách nhau 3-5 ngày/lần, lần phun 4-5 cách nhau 7-10 ngày, giúp cây lúa nhanh hồi phục và đẻ bù những nhánh sau, sau đó chăm bón bình thường.

Tuyệt đối không được bón đạm hay phân hỗn hợp NPK ngay sau khi nước rút. Khi nào xử lý bằng một trong các loại phân bón lá đã nêu ở phần trên trong 10-15 ngày, thấy cây lúa ra thêm được lá non, nhổ thăm thấy gốc cây đã ra nhiều rễ mới màu trắng đó là lúc bón thúc đạm tốt cho lúa. Nên bón đạm u-rê trộn với phân bón NEB-26 cân đối với ka-li và thêm một ít su-pe lân giúp cho cây lúa nhanh hồi phục, đẻ nhánh khoẻ. Liều bón phục hồi lúa khuyến cáo 2-3kg đạm u-rê trộn với 14-21ml NEB-26 + 2kg ka-li sun-phát + 5-10kg su-pe lân Lâm Thao cho 1 sào. Nếu điều kiện cho phép (lúa cấy thưa, thẳng hàng hay sạ hàng) kết hợp với làm cỏ sục bùn vùi phân sâu vào đất, tăng ô-xy cho lớp đất mặt giúp rễ lúa sinh trưởng nhanh càng tốt.

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để lúa hồi phục nhanh sau ngập úng