Để kỳ thi THPT quốc gia thật sự nghiêm túc. Bài 2: Thí sinh chủ động

14/06/2019 12:23

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chịu nhiều áp lực hơn kỳ thi năm trước về công tác coi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp.

>>Để kỳ thi THPT quốc gia thật sự nghiêm túc. Bài 1: Chọn người coi thi


Học sinh Trường THPT Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang) tích cực ôn luyện cho kỳ thi sắp tới

Hệ thống kiến thức, rèn luyện kỹ năng

Đến nay, tuy cường độ ôn luyện ở mỗi trường, mỗi đối tượng khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu giúp thí sinh có tâm thế, kiến thức, kỹ năng tốt nhất để bước vào kỳ thi. Đối với những trường có chất lượng đầu vào cao như các trường THPT trung tâm của các huyện, thành phố, đây là quãng thời gian giáo viên không còn nặng nề về việc trang bị kiến thức mà tập trung vào rèn kỹ năng làm bài cho học sinh. 

Cô giáo Đặng Thị Thanh Hương dạy môn vật lý của Trường THPT Thanh Hà chia sẻ: "Thí sinh có nguyện vọng thi chỉ để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đều được giáo viên cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết. Thời gian từ đầu tháng 6 đến ngày thi, chúng tôi tập trung cho các em tự hệ thống lại toàn bộ kiến thức lý thuyết. Mỗi học sinh có một cuốn sổ tay riêng ghi lại kiến thức quan trọng nhất của từng chương, từng chủ đề. Làm như vậy sẽ giúp học sinh khắc sâu kiến thức hơn".

Còn với những trường có chất lượng đầu vào thấp hơn cũng có cách ôn luyện phù hợp. Cô giáo Nguyễn Thị Tho dạy môn hóa học, Trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương) cho rằng: "Học sinh của trường phần lớn thi để xét tốt nghiệp THPT. Thời gian này, chúng tôi tiếp tục thực hiện đồng thời việc củng cố kiến thức với rèn kỹ năng làm bài cho học sinh. Mỗi buổi học ôn, giáo viên và học sinh cùng củng cố lại lý thuyết, sau đó làm bài tập hoặc đề. Cuối buổi, giáo viên chữa lại, học sinh còn yếu, rỗng mảng nào tiếp tục được nhắc lại để các em ghi nhớ kiến thức mảng đó".

Từ việc được ôn luyện chu đáo ở trường, học ở nhà, đến nay, phần lớn thí sinh khá tự tin để bước vào kỳ thi quan trọng nhất của tuổi học trò. "Cùng với những đề giáo viên cho ở trường, ở nhà chúng em ôn tập lại và tìm thêm đề trên internet để giải. Hiện chúng em quan tâm nhất là rèn kỹ năng làm bài. Làm nhiều đề, chúng em hình thành kỹ năng là trước khi đặt bút làm bài đều phải lướt qua đề một lượt xem cấu trúc, kiến thức thế nào. Sau đó, làm câu dễ trước rồi mới dành thời gian cho câu khó hơn. Thời gian giải đề chúng em đều phấn đấu làm trong thời gian ngắn nhất có thể so với quy định của đề thi chính thức. Chúng em cũng tích cực học nhóm để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kỹ năng làm bài", em Đoàn Phương Duyên, lớp 12 G, Trường THPT Nam Sách cho biết. 

Tâm lý sẵn sàng 

Coi trọng việc chuẩn bị tốt về kiến thức, kỹ năng, các nhà trường cũng quan tâm trang bị cho học sinh về quy chế thi, tâm lý, cách bảo đảm sức khỏe, nhất là những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia. Trong cách tính điểm thi, trước đây kết quả học tập năm lớp 12 và thi THPT quốc gia cùng chiếm 50% tổng điểm thì năm nay, kết quả học tập chỉ chiếm 30% còn kết quả thi chiếm 70% tổng điểm. Thay đổi này đều được các cơ sở giáo dục sớm phổ biến đến phụ huynh, học sinh và giáo viên. Các trường cũng thực hiện chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch, chương trình dạy học, ôn luyện phù hợp với từng đối tượng học sinh và tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học trên lớp. 

Hiện nay, cơ bản các học sinh đều nắm vững nội quy, quy chế thi. Theo em Bùi Thị Thanh Phương, học sinh lớp12A, Trường THPT Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang): "Đến nay, chúng em biết mình được làm gì, không được làm gì trong phòng thi, nhất là không được mang các loại thiết bị có chức năng thu phát sóng, lưu trữ dữ liệu, gửi nhận thông tin, ghi âm, ghi hình mà chỉ có thể mang đồ dùng theo quy định". 

Kỳ thi THPT quốc gia luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh học sinh và nhân dân. Anh Nguyễn Đức Huy ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho biết: "Điều tôi quan tâm nhất là kết quả của kỳ thi phải bảo đảm khách quan, công bằng, phản ánh đúng trình độ, năng lực của mỗi thí sinh, chất lượng dạy học của mỗi cơ sở giáo dục. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn nhân lực trong tương lai và tạo niềm tin cho nhân dân".

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để kỳ thi THPT quốc gia thật sự nghiêm túc. Bài 2: Thí sinh chủ động