Để kỳ thi THPT quốc gia thật sự nghiêm túc. Bài 1: Chọn người coi thi

13/06/2019 11:11

Trước một số yêu cầu mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên điều hành, giám sát, coi thi, thanh tra thi được Hải Dương đặc biệt quan tâm.


Năm nay, các trường chú trọng lựa chọn những giáo viên có kinh nghiệm tham gia phục vụ kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh tư liệu kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Một trong những yếu tố quan trọng giúp kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, phản ánh khách quan năng lực, trình độ của thí sinh là đội ngũ cán bộ, giáo viên điều hành, giám sát, coi thi, thanh tra thi. Trước một số yêu cầu mới của kỳ thi năm nay, lực lượng này được Hải Dương đặc biệt quan tâm.

Thêm trách nhiệm cho trường đại học

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Hải Dương có 19.327 thí sinh thi tại 34 điểm với 821 phòng thi. Tham gia phục vụ kỳ thi, ngoài 1.028 cán bộ, giáo viên của 34 trường THPT trong tỉnh còn có 947 cán bộ, giảng viên của 4 trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) điều động về, gồm: Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Hải Phòng, Hạ Long, Kỹ thuật y tế Hải Dương. Ngoài chức năng nhiệm vụ giống kỳ thi năm trước như tham gia làm Phó Trưởng điểm, giám sát, thanh tra, coi thi, năm nay, các trường đại học có thêm nhiệm vụ rất quan trọng là trông giữ phòng bảo quản đề, bài thi.

Trước yêu cầu đòi hỏi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, bí mật tuyệt đối nên đội ngũ cán bộ, giáo viên làm thi cần có tinh thần trách nhiệm rất cao. TS. Trần Quang Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho biết: "Trường điều động 139 cán bộ, giảng viên tham gia các công việc tại kỳ thi. Trường nhận thấy đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nên cán bộ, giảng viên phục vụ thi phải là người có phẩm chất tốt và kinh nghiệm làm thi. Giảng viên là Phó Trưởng các điểm đòi hỏi cao hơn vì có trách nhiệm trông giữ tủ đựng đề, bài thi".

Năm nay, ngoài việc tham gia coi thi, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên còn có nhiệm vụ nặng nề là đơn vị duy nhất thực hiện chấm các bài thi trắc nghiệm. Trường cử 320 cán bộ, giảng viên tham gia làm Phó Trưởng điểm, giám thị, giám sát, thanh tra... tại 11 điểm thi. Đội ngũ cán bộ, giảng viên đều được chọn lọc kỹ càng, có khả năng đảm nhiệm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Ngoài các trường đại học, số lượng cán bộ, giáo viên của các trường THPT trong tỉnh được điều động khá lớn và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như Trưởng điểm, Phó Trưởng điểm, thư ký, thanh tra, coi thi. Các trường đều cử đội ngũ giáo viên có năng lực, tinh thông nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao tham gia kỳ thi. "Trường điều động 40 cán bộ, giáo viên phục vụ kỳ thi. Giáo viên đi coi thi phải đạt yêu cầu có nhiều năm làm giám thị tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, THPT quốc gia, có kinh nghiệm, nắm chắc quy trình, kỹ thuật coi thi. Ngoài thực hiện đúng quy chế, giám thị còn phải biết cách phát hiện, xử lý nhanh, chính xác, đúng quy định khi có tình huống phát sinh", thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Giang nói.  



1.028 cán bộ, giáo viên của 34 trường THPT trong tỉnh và 947 cán bộ, giảng viên của 4 trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động sẽ tham gia phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Ảnh tư liệu kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Thành thục quy trình, kỹ thuật

Theo quy chế thi của Bộ GDĐT, công tác thi năm nay có một số thay đổi quan trọng đòi hỏi cán bộ, giáo viên phải nắm chắc quy chế, quy trình, kỹ thuật, nhất là việc coi thi các bài trắc nghiệm, tổ hợp và chấm thi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách cho biết: "Coi bài thi trắc nghiệm năm nay có điểm mới như mỗi phòng bốc thăm ngẫu nhiên 1 trong 2 cách phát đề là lần lượt theo thứ tự hàng ngang từ trái sang phải, từ trên xuống dưới và theo thứ tự từ phải sang trái, từ trên xuống dưới. Đề thi của mỗi phòng giữ nguyên thứ tự, phát cho cả thí sinh vắng mặt rồi thu lại ngay sau khi đã phát xong. Đây là khâu rất quan trọng, nếu mỗi trưởng điểm thi và giám thị không nắm rõ sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn. Nhà trường đã phổ biến, quán triệt quy chế nhiều lần giúp giáo viên đi coi thi hiểu để thực hiện đúng quy chế, quy trình thi".

Ở bài thi tổ hợp, thời gian chuẩn bị giữa 2 môn thành phần có 10 phút. Giám thị có thời gian thu đề, giấy nháp môn thi trước 5 phút và phát đề của môn sau 5 phút. "Đây là công việc đòi hỏi giám thị phải có nghiệp vụ, kỹ thuật coi thi rất thành thục để vừa bảo đảm thu, phát đề diễn ra nhanh, gọn vừa phải chính xác. Cộng với cách phát đề thay đổi, nếu giám thị thực hiện không tốt sẽ không bảo đảm thời gian và dễ nhầm lẫn. Chúng tôi đi coi thi rất chú trọng khâu này và tìm hiểu, tập dượt kỹ", thầy giáo Bùi Văn Nam, Trường THPT Ninh Giang nói.

Hiện nay, hầu hết các trường đại học, THPT có nhiệm vụ làm thi đều xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn kỹ càng, chu đáo, chính xác quy chế, quy trình và những công việc liên quan đến kỳ thi cho cán bộ, giáo viên. Theo lãnh đạo Sở GDĐT, để nâng cao chất lượng coi thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã đề nghị các trường đại học, THPT lựa chọn kỹ lưỡng đội ngũ làm thi, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên. Giám thị được hướng dẫn cách nhận diện, phát hiện việc sử dụng các loại thiết bị công nghệ để kịp thời xử lý. Sở cũng cấp phát đầy đủ tài liệu liên quan đến kỳ thi để các đơn vị tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên làm thi. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập vừa qua, sở đã thực hiện một số quy trình giống thi THPT quốc gia để các trường, cán bộ, giáo viên tập dượt làm quen, rút kinh nghiệm.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Để kỳ thi THPT quốc gia thật sự nghiêm túc. Bài 1: Chọn người coi thi