Nhiều năm trở lại đây, bệnh lao trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần. Đó là nỗ lực của ngành y và sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan.
Bệnh nhân mắc lao đang giảm dần theo từng năm
Người mắc bệnh lao giảmTheo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, trước năm 2005, mỗi năm toàn tỉnh phát hiện khoảng 2.000 người mắc lao, nhưng từ năm 2005 trở lại đây, người mắc lao đã giảm. Năm 2014, toàn tỉnh phát hiện 1.371 người mắc, bệnh nhân được chữa khỏi đạt khoảng 90%. So với nhiều tỉnh, thành khác, Hải Dương là một trong những tỉnh ít bệnh nhân mắc lao. Để duy trì kết quả này, năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lao, phấn đấu mỗi năm giảm 5% số người mắc lao và đến năm 2030 sẽ khống chế được căn bệnh này. Ban chỉ đạo tăng cường công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân. Theo đó, bệnh viện tuyến huyện đều có tổ chống lao, theo dõi sát tình hình bệnh lao tại địa phương.
Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đang điều trị cho 120 bệnh nhân lao, còn lại hơn 600 người được điều trị ở cộng đồng. Bệnh nhân mắc lao phải điều trị dài ngày. Đối với bệnh lao thường, điều trị từ 6-8 tháng, lao kháng thuốc từ 19-24 tháng. Để điều trị bệnh lao cần sự phối hợp của người nhà bệnh nhân với bệnh viện, bản thân bệnh nhân phải có cam kết điều trị lâu dài theo phác đồ của bệnh viện. Cán bộ, y, bác sĩ luôn phải làm tốt công tác quản lý bệnh nhân để hạn chế tình trạng bỏ điều trị.
Năm 2011, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh bắt đầu nhận điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc. Đến nay, bệnh viện đã điều trị 45 trong tổng số 59 ca, một số trường hợp không điều trị do bị nhiễm HIV, cao tuổi... Bước tiến mới trong phát hiện, điều trị người mắc lao trên địa bàn tỉnh là năm 2014, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã được hỗ trợ máy xét nghiệm, phát hiện bệnh nhân lao kháng thuốc. Mỗi lần xét nghiệm được 4 mẫu, sau 2 giờ sẽ có kết quả. Trước đó, các mẫu xét nghiệm thường phải gửi lên Hà Nội, một tuần sau mới có kết quả. Ngoài ra, bệnh nhân điều trị được hỗ trợ thuốc chống lao. Hiện nay, thị xã Chí Linh là địa phương có nhiều bệnh nhân mắc lao nhất với 125 người, sau đó đến Kinh Môn 108 người, TP Hải Dương 91 người. Những người bị mắc lao thường tập trung ở độ tuổi từ 60-65.
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tự ý bỏ sẽ sinh ra bệnh lao kháng thuốc, điều trị khó khăn hơn. Điều trị bệnh nhân lao phải có sự giám sát trực tiếp, quản lý chặt chẽ của cán bộ làm công tác phòng, chống lao để bảo đảm hiệu quả điều trị và phát hiện, xử lý kịp thời các tai biến của bệnh nhân trong khi dùng thuốc.
Phòng hơn chốngNguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Khi những người bị lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm, vi trùng lao theo nước bọt bắn ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải và bị nhiễm vi trùng lao. Trong số những người bị nhiễm vi trùng lao đó có thể mắc bệnh lao.
Bác sĩ Chuyên khoa I, Tăng Văn Bảo, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, cho biết: “Để khống chế bệnh lao, Ban Chỉ đạo phòng, chống lao đã chỉ đạo các tuyến cơ sở tích cực tập huấn chương trình chống lao. Ban chỉ đạo cũng đã tăng cường tuyên truyền những thông tin cơ bản về phòng bệnh lao cho người dân. Khi có các biểu hiện nghi lao, người dân cần đến ngay tổ chống lao của các trung tâm y tế cấp huyện, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để được khám điều trị kịp thời”.
Một số triệu chứng của người mắc lao là ho ra máu, biến chứng suy hô hấp, tràn dịch, tràn khí màng phổi, giãn phế quản, phế nang. Ngoài ra, còn nhiều biến chứng của các thể lao khác như lao cột sống, lao các khớp, lao xương khác, lao màng não, lao ruột. Để tránh các biến chứng lao, bệnh nhân cần phối hợp điều trị phục hồi chức năng như tập thở, đi bộ ít nhất 1 giờ/ngày để các phần phổi tổn thương nhanh chóng hồi phục. Trong thời gian uống thuốc điều trị, người mắc lao không được uống rượu và các đồ uống có cồn. Theo các bác sĩ chuyên khoa, để phòng bệnh lao, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG. Nếu ho kéo dài, người bệnh phải đi khám, xét nghiệm để phát hiện kịp thời bệnh lao, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Ngoài ra, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, phải đeo khẩu trang liên tục trong 2 tháng đầu điều trị.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lao đang tập trung huy động sự ủng hộ và tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cá nhân trong tỉnh hỗ trợ mọi mặt đối với công tác phòng, chống lao. Các tổ chống lao cơ sở tổ chức truyền thông rộng rãi trong cộng đồng dân cư về ngày phòng, chống lao thế giới để mọi người có quan niệm đúng về bệnh lao, không nên mặc cảm hoặc kỳ thị người mắc bệnh lao, nhằm tiến tới mục tiêu Việt Nam khống chế được bệnh lao vào năm 2030.
MINH NGUYỆT
Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng và chữa được Hiện nay, bệnh lao còn phổ biến ở nước ta, mỗi năm có thêm gần 200.000 người mắc bệnh (trong đó có lao/HIV, lao kháng đa thuốc, siêu kháng thuốc) và khoảng 20.000 người chết vì bệnh lao.
Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra, hay gặp nhất là lao phổi, cũng có thể gặp lao ngoài phổi như hạch, màng phổi, màng não, xương khớp… bệnh lao phổi dễ lây lan theo đường không khí.
Những người có nguy cơ mắc bệnh lao cao là người tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi chưa được điều trị, đặc biệt là người có HIV, trẻ em dưới 5 tuổi. Để phát hiện sớm bệnh lao: Khi có 1 trong các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lao dưới đây, cần đến ngay trung tâm y tế quận/huyện, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để khám bệnh, xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao:
- Ho khạc kéo dài trên 2 tuần - Sốt nhẹ về chiều - Gầy sút cân - Hay đổ mồ hôi về ban đêm - Tức ngực, khó thở hoặc ho ra máu. - Trẻ em sống trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi.
Để chữa khỏi bệnh lao cần điều trị sớm, theo đúng phác đồ hướng dẫn của Chương trình chống lao quốc gia là:
- Phối hợp thuốc chống lao. - Đúng liều. - Đều hằng ngày. - Đủ thời gian. - Đối với người bệnh lao phổi phải xét nghiệm lại đờm (3 lần): sau khi điều trị được 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng, để biết mình đã chữa khỏi bệnh lao hay chưa. Thuốc chữa bệnh lao được cấp miễn phí cho mọi người bệnh tại cơ sở chống lao quận, huyện.
Để phòng bệnh lao cần:
- Phát hiện sớm người mắc bệnh lao và chữa cho họ khỏi bệnh.
- Người bệnh lao phổi cần che miệng khi ho, khi hắt hơi, khạc đờm vào mảnh giấy rồi đốt đi.
- Tiêm phòng BCG cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Giữ gìn sức khoẻ và môi trường, nhà ở cần thông thoáng.
Bệnh lao là bệnh của toàn xã hội, không phải của riêng ai: Chữa khỏi 1 người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không mắc bệnh lao. Bởi vậy, giúp đỡ người bệnh lao chữa khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cộng đồng.
Theo Chương trình chống lao quốc gia |