Với học sinh cuối cấp chuẩn bị bước sang giai đoạn học tập mới, bên cạnh chuẩn bị kiến thức, tâm thế cho người học vô cùng cần thiết.
Học sinh Trường Mầm non Tân Hòa (Phú Bình – Thái Nguyên) thăm Trường Tiểu học Tân Hòa trước khi vào lớp 1
Điều này có được khi các nhà trường, gia đình cùng chủ động phối hợp trong công tác chuẩn bị.
Nhà trường vào cuộc
Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Linh, Hiệu trưởng Trường MN Giáp Bát (Hoàng Mai – Hà Nội), năm học này trường có 157 trẻ trong độ tuổi bước vào lớp 1. Nhà trường luôn xác định, bước chuyển tiếp với trẻ mầm non (MN) vào tiểu học (TH) vô cùng quan trọng. Do đó, công tác chuẩn bị được chú trọng để giúp trẻ tự tin và có kết quả học tập tốt từ năm học đầu tiên ở tiểu học.
Cô Linh chia sẻ: Một mặt nhà trường tuân thủ nghiêm chương trình dạy học trẻ mầm non 5 tuổi. Giúp trẻ khi ra trường biết mặt 29 chữ cái và một số thao tác kĩ năng toán học. Cùng đó cho trẻ làm quen với bút, vở viết lớp 1, giải thích cho trẻ hiểu về thời gian, lịch học của bậc TH...
Đặc biệt, trong hoạt động trải nghiệm, nhà trường sẽ tổ chức cho trẻ tham quan trường TH trên địa bàn để khi vào trường mới không bỡ ngỡ, xa lạ mà nhanh chóng hòa nhập. Những hoạt động trải nghiệm làm quen này thường tổ chức vào tháng 4, 5 khi trẻ sắp ra trường.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Linh cho rằng: Trẻ MN chuẩn bị lên TH mang đặc thù riêng, nếu không chuẩn bị tâm thế trẻ có thể bị “sốc”, bỡ ngỡ và khó bắt nhịp khi bước vào lớp 1. Trên thực tế, nhiều trẻ từ MN lên TH có biểu hiện sợ học, học đối phó bởi do các em chưa được chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, kĩ năng, chưa thích nghi với môi trường học tập mới, không có niềm vui và áp lực học tập.
Cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hòa (Phú Bình – Thái Nguyên) cũng cho biết: Với HS lớp 5 chuẩn bị vào lớp 6, nhà trường có chương trình bổ sung để HS tiếp cận với lớp 6 phù hợp nhất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo án của giáo viên được điều chỉnh thay đổi theo sự bổ sung này.
Bên cạnh đó, trong hoạt động trải nghiệm, trường chú trọng cho HS hình thành các kĩ năng sống, thích nghi với môi trường học tập mới. Các chủ đề cho hoạt động trải nghiệm được thiết kế theo từng tuần và với nội dung khác nhau.
Trong hoạt động chuyên môn, trường chủ động tổ chức cho trẻ MN trong khu vực tới thăm (thường vào các tuần cuối của năm học). Ban giám hiệu trường cùng GV MN đưa HS đi thăm quan lớp học, phòng truyền thống, giới thiệu từng phòng chức năng để trẻ nhận biết…
Cô Phạm Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong – thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) lại cho biết cách riêng trong công tác chuẩn bị cho HS chuyển cấp. Với HS lớp 9 sẽ kết nối với trường THPT cùng tổ chức hoạt động làm quen trường lớp với chủ đề “Một ngày trải nghiệm làm HS THPT”. Thông qua hoạt động giao lưu văn nghệ, chia sẻ kinh nghiệm của thầy cô với HS, HS với HS; thăm quan trường lớp…
Với HS lớp 5 lên lớp 6 trường dành tuần đầu tiên của năm học giúp HS làm quen với thầy cô, thăm quan phòng truyền thống, nghe giới thiệu về nhà trường. Nhà trường tổ chức các trò chơi tìm hiểu về trường lớp; cho HS trải nghiệm học tập tại bảo tàng để quen dần cách học... Ngoài ra, các thầy cô cũng dành thời gian để hướng dẫn HS về phương pháp học hiệu quả ở bậc THCS.
Không thể thiếu vai trò của gia đình
Theo cô Trịnh Thị Én – Hiệu trưởng Trường MN Hoa Đào (Sa Pa – Lào Cai), trong hệ thống giáo dục phổ thông, có ba giai đoạn chuyển cấp quan trọng, trong đó có trẻ từ mẫu giáo bước vào lớp 1.
Nhà trường thường tư vấn cho phụ huynh cùng kết hợp giúp HS làm quen với 29 chữ số, cách rèn luyện trẻ ngồi học nhiều hơn, tập trung cao hơn. Điều đó sẽ giúp trẻ khi vào lớp 1 mới không cảm thấy bỡ ngỡ, sợ sệt.
Nhà trường đặc biệt chú ý phụ huynh, đối với trẻ vào lớp 1, tuyệt đối không được ép phải luyện chữ, làm toán hay đọc thông viết thạo vì điều này có thể tạo áp lực, khiến trẻ chán học và sợ đi học. Điều quan trọng trong bước chuyển tiếp của trẻ là trang bị những kỹ năng sống, tạo niềm vui, hứng thú học tập...
Về phía nhà trường, nhiều năm qua luôn chú trọng công tác chuẩn bị chuyển tiếp HS đúng cách. Vì vậy, HS bước vào tiểu học đã có sự hòa nhập tốt. Kết quả khảo sát học tập sau một học kỳ hoặc một năm học lớp 1 luôn được các thầy cô tiểu học đánh giá cao.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm: Vào năm học mới, điều quan tâm không chỉ là vấn đề xây dựng, sửa sang trường lớp, mua sách giáo khoa mới… mà quan trọng là chuẩn bị kỹ năng, tâm thế cho HS, đặc biệt HS đầu cấp để việc học hiệu quả.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, lứa tuổi bước vào THCS, THPT thích thể hiện cái tôi, bộc lộ khả năng, luôn cho mình là đúng. Trẻ cũng rất nhạy cảm và dễ phản ứng với những lời nói xúc phạm của người lớn... Vì vậy cha mẹ hãy trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tâm sinh lý của lứa tuổi. Nếu né tránh giáo dục những vấn đề nhạy cảm ở lứa tuổi teen là cha mẹ đang tạo ra khoảng trống kiến thức khi các em phải đối diện thực tế.
Theo Giáo dục và Thời đại