Dễ giải quyết công việc hơn

25/12/2014 03:25

Nhiều người đồng quan điểm rằng lãnh đạo không phải người địa phương sẽ khách quan hơn trong các mối quan hệ với cán bộ cùng cấp và cán bộ cấp dưới...



Các đồng chí Lê Thanh Vân, Phó Bi thư Tỉnh ủy (thứ hai từ trái); Nguyễn Quang Phúc, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang (thứ nhất từ trái) là những cán bộ lãnh đạo không phải người địa phương kiểm tra tình hình xây dựng nông thôn mới tại xã Hồng Thái (Ninh Giang). Ảnh: Minh Mẫn


Lâu nay chuyện bè phái cục bộ, tư tưởng nể nang dòng họ, người làng đã khiến không ít cán bộ mắc phải sai lầm, khó thực hiện “chí công vô tư”. Để hạn chế tình trạng này, Đảng ta chủ trương thực hiện bố trí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND và một số chức danh lãnh đạo cấp trưởng các ngành nội chính, thanh tra, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương trong tổ chức đại hội đảng các cấp tới đây. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này không hề đơn giản.

Có lợi...

“Một trong những thuận lợi nhất đối với tôi là giảm được rất nhiều áp lực trong quá trình xử lý vi phạm, nhất là xử lý vi phạm giao thông”, đại tá Bùi Như Luyến, Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng chia sẻ với chúng tôi như thế khi nói về chủ trương bố trí trưởng công an cấp huyện không phải là người địa phương. Ông Luyến nguyên là Trưởng Công an huyện Bình Giang, được điều động về làm Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng từ tháng 4-2013 theo Đề án số 05 của ngành công an và kế hoạch 2264 của Công an tỉnh về việc bố trí trưởng công an cấp huyện không phải người địa phương.

Là người có gần 10 năm công tác tại Công an huyện Cẩm Bình (cũ), lại có kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành cơ quan công an cấp huyện nên đồng chí Luyến tiếp cận địa bàn mới, công việc mới khá thuận lợi. Đồng chí cho biết, đối với người đứng đầu cơ quan bảo vệ pháp luật, nếu không thực sự “chí công vô tư” sẽ dễ mắc sai lầm. Khi mình không phải người địa phương, việc giải quyết công việc một cách công tâm, khách quan cũng thuận lợi hơn, bởi ít phải chịu áp lực từ các mối quan hệ quen biết hay họ hàng thân thiết.

Triển khai từ tháng 4-2013, đến nay Công an tỉnh đã bố trí tất cả các Trưởng Công an cấp huyện không phải người địa phương, sớm hơn so với lộ trình đề ra 1 năm. Theo Đại tá Phạm Văn Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh, việc thực hiện chủ trương này bước đầu có nhiều thuận lợi. Cấp ủy, chính quyền và cơ quan nội chính ở các địa phương đều tích cực ủng hộ, giúp cán bộ, chiến sĩ của ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí Trưởng Công an cấp huyện đã phát huy được năng lực, kinh nghiệm của mình, góp phần bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thống kê của toàn ngành cho thấy số vụ phạm pháp hình sự năm 2014 giảm 14 vụ so với năm 2013. Trong đó, một số địa bàn giảm nhiều như Thanh Hà, Kinh Môn, Gia Lộc... Tỷ lệ điều tra, khám phá án của các huyện đạt từ 70,2 - 87,5%. Đồng chí Loan cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ ngành công an đều khẳng định, việc bố trí Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương là chủ trương đúng đắn, nên tiếp tục duy trì.

Ở góc độ khác, là cán bộ ở một huyện có Bí thư cấp ủy không phải người địa phương, đồng chí Trần Văn Biếc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) cũng thừa nhận, lãnh đạo không phải người địa phương sẽ khách quan hơn trong các mối quan hệ với cán bộ cùng cấp và cán bộ cấp dưới. Một cán bộ huyện Cẩm Giàng đã từng luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy một xã không phải quê của mình cho biết: Làm lãnh đạo ở những nơi như thế, cán bộ thực sự học hỏi, rèn luyện được rất nhiều. Công việc của cán bộ cấp xã liên quan trực tiếp đến dân, việc nào cũng cần phải giải quyết ngay, trong khi cán bộ không phải là người địa phương chưa hiểu tường tận đặc điểm tình hình, phong tục tập quán của địa phương, nếu không có bản lĩnh, không nhiệt tình, trách nhiệm sẽ khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Đương nhiên, khi không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ họ hàng, làng xóm, đánh giá của nhân dân đối với kết quả làm việc của cán bộ cũng khách quan hơn, buộc người đứng đầu phải thực sự cố gắng nếu không muốn mất uy tín.

... nhưng cán bộ cần thêm thời gian

Cái khó đầu tiên đối với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cũng như trưởng một số ngành khi không phải người địa phương là chưa thể hiểu rõ ngay tình hình nơi mình công tác. Họ không chỉ phải tìm hiểu về phong tục, tập quán, điều kiện tự nhiên, xã hội có tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, từng thôn, từng đơn vị trực thuộc của huyện, mà còn phải hiểu cả hệ thống chính trị của địa phương, về cung cách, nền nếp làm việc của cán bộ trong các cơ quan tham mưu. Để làm được điều đó, theo đồng chí Trần Văn Biếc, cần ít nhất 3 năm, nếu cán bộ là người tâm huyết, trách nhiệm và có năng lực thực sự. “Khi chưa hiểu hết địa phương mình lãnh đạo, sẽ khó đề xuất được những giải pháp phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng đơn vị. Vì thế, hiệu quả công tác quản lý, điều hành cũng hạn chế hơn so với lãnh đạo là người địa phương. Nếu cả Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cấp huyện đều không phải người địa phương, thì khó khăn này nhân lên gấp đôi”, đồng chí Biếc phân tích.



Công an tỉnh đã bố trí các Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương


Ngay cả với các cơ quan chuyên môn, khi cấp trưởng không phải người địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài cái khó do chưa hiểu rõ tình hình, còn khó khăn do cán bộ chưa nắm được hết nghiệp vụ, công việc nếu chưa từng trải qua công việc đó. Đơn cử như với ngành công an, một cán bộ

“Người địa phương” theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó.

Hiện toàn tỉnh có 4 Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, 1 Chủ tịch UBND huyện, 12 Trưởng Công an huyện; 7 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và 5 Chánh án Tòa án Nhân dân cấp huyện không phải là người địa phương.

cấp phòng thuộc Công an tỉnh, thông thường chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực công tác của phòng, nhưng khi luân chuyển về làm Trưởng Công an cấp huyện lại buộc phải nắm chắc nghiệp vụ của rất nhiều lĩnh vực khác, thậm chí cả nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, các vấn đề nằm ngoài kiến thức chuyên môn để có thể làm tốt nhiệm vụ khi được bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy. Đây thực sự là thử thách đối với nhiều cán bộ trẻ.

Vì thế, chọn người có đủ năng lực để đảm nhiệm và hoàn thành tốt vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và trưởng một số cơ quan chuyên môn ở cấp huyện không phải người địa phương cũng là bài toán khó với người làm công tác tổ chức. Đó là chưa kể những khó khăn khi cán bộ được luân chuyển phải công tác xa nhà, điều kiện đi lại, ăn ở không thuận tiện.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, dù gặp nhiều khó khăn, song tới đây tỉnh ta sẽ phấn đấu thực hiện bố trí 1 trong 3 chức danh của thường trực cấp ủy huyện không phải người địa phương. Đối với các chức danh còn lại theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, tỉnh sẽ phối hợp với các ngành dọc để thực hiện.

PV

Chú ý khi điều động cán bộ không phải người địa phương


Thời gian qua, một số địa phương trong tỉnh ta đã điều động, luân chuyển bố trí cán bộ không phải là người địa phương. Việc này cũng có mặt tích cực, nhưng cũng có mặt hạn chế. Để điều động cán bộ không phải là người địa phương về làm lãnh đạo, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, lựa chọn những người có năng lực thực sự vượt trội. Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người được điều động. Bởi, nếu như tâm lý người được điều động không thoải mái thì khi đảm đương nhiệm vụ mới chất lượng công việc sẽ không cao. Ngoài ra, việc điều động cán bộ cũng cần dựa trên đặc điểm tình hình thực tế ở địa phương, có chăng chỉ nên điều động cán bộ về những nơi nguồn cán bộ quá khó khăn mà địa phương không thể bố trí được.

VŨ TRÍ TRƯỜNGTrưởng khu Hoàng Hanh, thị trấn Nam Sách


Không phải người địa phương là không có quê ở đó

Công tác luân chuyển cán bộ đã được Đảng ta quan tâm, đặc biệt là chủ

trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương. Làm tốt công tác luân chuyển cán bộ sẽ tránh được tình trạng kết bè kéo phái gây mất đoàn kết trong tập thể, khắc phục tình trạng lợi ích nhóm, cục bộ địa phương. Tuy nhiên, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo không phải người địa phương cũng cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Quy định “người địa phương” như hiện nay vẫn còn có mặt chưa hợp lý. Một người không sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương nhưng quê gốc lại ở đó, thậm chí họ hàng vẫn còn rất đông, thì việc giải quyết vấn đề “không phải người địa phương để tránh cục bộ, tránh bị ảnh hưởng bởi dòng họ” vẫn chưa được triệt để. Theo tôi, cần thêm một tiêu chí đối với “người địa phương” là người không có quê ở địa phương đó.

NGUYỄN HỮU THẨM Khu 5, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương)


Chỉ nên 1 chức danh chủ chốt ở cấp xã không phải là người địa phương


Chủ trương luân chuyển, bố trí cán bộ không phải là người địa phương là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, theo tôi, khi bố trí cán bộ không phải là người địa phương ở cấp xã thì chỉ nên bố trí một chức danh, hoặc là Chủ tịch UBND hoặc là Bí thư Đảng ủy chứ không nên bố trí cả 2 chức danh này. Ở cấp xã vẫn còn có những tư tưởng, phong tục tập quán, văn hóa, những "góc khuất" mà chỉ người địa phương mới biết. Vì vậy, nếu cả 2 chức danh lãnh đạo chủ chốt đều không phải là người địa phương sẽ không thể hiểu người, hiểu địa phương để từ đó đưa ra cách giải quyết, ứng xử hợp lý cũng như giúp đỡ, hỗ trợ nhau giải quyết.

ĐỖ THANH TÙNG Thôn Thượng Trà, Tân Dân (Kinh Môn)


(0) Bình luận
Dễ giải quyết công việc hơn