Đầu năm, các địa phương, cơ quan, đơn vị đều tổ chức triển khai kế hoạch, phương hướng công tác cho thời gian tới.
Trên thực tế, hầu hết các cơ quan, đơn vị khi xây dựng báo cáo tổng kết năm đã đánh giá đúng thực trạng và đề ra kế hoạch phù hợp thời gian tới, làm cơ sở để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, cũng có những cơ quan, đơn vị khi xây dựng báo cáo tổng kết thường chỉ chú trọng đánh giá những ưu điểm đạt được, còn những hạn chế và kế hoạch, phương hướng thời gian tới lại sơ sài, không phân tích những thuận lợi, khó khăn hoặc những bài học kinh nghiệm cần rút ra cho kế hoạch năm tới.
Kế hoạch là những điều vạch ra về các mục tiêu và cách thức thực hiện để đạt được trong thời gian nhất định. Việc lập kế hoạch có vai trò rất quan trọng. Để thành công trong công việc thì mỗi cá nhân và tổ chức phải lập cho mình một kế hoạch công tác cụ thể. Kế hoạch có thể ngắn hạn hoặc dài hạn, kế hoạch quý, kế hoạch một năm hoặc cả nhiệm kỳ.
Để xây dựng kế hoạch công tác một cách hiệu quả, trước hết các cơ quan, đơn vị phải xác định đúng mục tiêu cần thực hiện trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu của cơ quan, đơn vị mình. Sau đó, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó cần tính toán chi tiết các nguồn lực thực hiện kế hoạch như nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, nguồn tài nguyên và cơ sở vật chất hiện có. Trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải bố trí đúng người, đúng việc, phân công công việc một cách hợp lý, phù hợp với chuyên môn của từng người.
Tiếp theo phải làm tốt công tác tư tưởng để mọi người trong cơ quan, đơn vị đồng lòng và quyết tâm thực hiện. Sinh thời Bác Hồ chỉ rõ: “Đặt ra kế hoạch thật tốt, thật sát là rất cần, nhưng đó chỉ là bước đầu. Kế hoạch 10 phần thì biện pháp cụ thể phải 20 phần, chỉ đạo thực hiện sát sao phải 30 phần. Có như thế mới chắc chắn hoàn thành tốt kế hoạch”.
Khi xây dựng kế hoạch phải có tầm nhìn xa. Phải dự báo được những cơ hội, khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch như tình hình thế giới, trong nước hoặc của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ngoài việc bám sát hướng dẫn của cấp trên, khi xây dựng chương trình, kế hoạch phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của cơ quan, đơn vị, phải có tính khả thi cao. Không được áp dụng một cách dập khuôn, máy móc hoặc sao chép của cơ quan, đơn vị khác làm kế hoạch của mình và phải tính những nhiệm vụ nào cần ưu tiên. Tránh tình trạng như Bác Hồ từng phê bình: “…chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng cần phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”. Nghĩa là vạch ra kế hoạch thật to tát, viển vông nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho đúng, thậm chí kế hoạch này chưa làm xong đã vạch ra kế hoạch khác.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thường xuyên đôn đốc, theo dõi và đánh giá việc thực hiện kế hoạch, chương trình và điều chỉnh kế hoạch nếu cần thiết. Có như vậy mới bảo đảm công việc, kế hoạch của cơ quan, đơn vị được triển khai thực hiện trơn tru ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.
LÊ VĂN NGUYÊN(Cẩm Giàng)