Đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Bài 1: Trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ

05/11/2018 08:20

Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ...

Ngày 25.10.2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. 

Bản Quy định được ban hành đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” dưới bút danh Trần Lực, một lần nữa khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Bác Hồ về vai trò, trách nhiệm nêu gương của người cán bộ cách mạng. 

Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ. Đề cao trách nhiệm nêu gương cũng là để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực, uy tín của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh. 

Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được đề cập từ lâu, đề cập nhiều lần trong các văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng. Nhưng đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương ban hành một quy định, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cho thấy tính công khai, minh bạch, dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy. Sự ra đời của Quy định 08-QĐi/TW ngày 25.10.2018 nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao; một lần nữa khẳng định việc nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ. 

Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, có hiệu quả, Quy định 08-QĐi/TW đã nêu 8 điều các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ 8 điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, tập trung vào những khuyết điểm, yếu kém, bức xúc trong xã hội do cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu gây ra. Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, chấp hành kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân... 

Cùng với việc tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (thể hiện qua việc ban hành liên tiếp hai nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII), có lẽ chưa bao giờ việc đề cao trách nhiệm nêu gương được đặt ra mạnh mẽ, quyết liệt như những năm gần đây. Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời, ngày 7.6.2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó quy định rất rõ, rất cụ thể 7 nội dung cần nêu gương. Đó là phải gương mẫu đi đầu thực hiện, tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu về đạo đức, lối sống, tác phong, đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; là tấm gương về tự phê bình, phê bình; về trách nhiệm trong công tác; quan hệ với nhân dân; về ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ… 

Trước yêu cầu cấp thiết từ thực tế, tại Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19.12.2016, Bộ Chính trị đã nghiêm cấm một số việc và yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm một số việc, nhằm tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng. Trong đó, nghiêm cấm việc lợi dụng để “biếu xén”, đưa quà tặng với động cơ vụ lợi, không trong sáng; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, “chè chén” xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội... Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc…

Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra 4 nhóm giải pháp nhằm kiên quyết, kiên trì khắc phục cho được những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, củng cố niềm tin trong nhân dân. Trong đó, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đặc biệt coi trọng nhóm giải pháp về chính trị tư tưởng, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, khi đề bạt, luân chuyển, điều động công tác.

Nêu gương – Một phương thức lãnh đạo của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Muốn đồng bào nghe theo, thì cán bộ phải gương mẫu đi đầu, xung phong làm trước, chứ nói mà không làm, hoặc nói nhiều làm ít thì làm sao thuyết phục được quần chúng. Trong cuộc sống, sinh hoạt, công tác, vận động đồng bào, chiến sỹ thực hành tiết kiệm mà mình xa xỉ, hoang phí thì nói ai nghe… Những năm đầu sau khi nước nhà giành độc lập, rồi kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo nâu giản dị hay bộ kaki bạc màu, cùng bộ đội hành quân ra mặt trận hay cùng nông dân lội ruộng, tát nước, trồng cây… sẽ mãi đi vào lòng người và có sức thuyết phục hơn mọi lời nói.

Ngày nay, đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thành tựu đạt được là vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay” (như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI đã chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. 

Nguyên nhân là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm. Nghị quyết xác định 3 vấn đề cấp bách, 4 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện tốt, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy các cấp, của cấp trên đối với cấp dưới. 

Thực tế cho thấy, dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng, bắt đầu từ những con người cụ thể, những tấm gương tiêu biểu. Trong kháng chiến chống Mỹ, những tấm gương anh dũng hy sinh như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, biến căm thù thành sức mạnh đánh thắng giặc Mỹ, thôi thúc bộ đội, dân quân tự vệ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu hiến đất xây trường, làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới, những tấm gương dũng cảm hy sinh vì bình yên cuộc sống nhân dân, say mê tìm tòi trong lao động sản xuất, những tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng sẻ chia vì cộng đồng… đã góp phần làm lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước "Lao động giỏi, lao động sáng tạo;" "Vì an ninh Tổ quốc," "Ngày vì người nghèo;" "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"… 

Nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng, nhưng có những đặc thù riêng. Nếu làm tốt việc nêu gương thì hiệu quả vô cùng to lớn, bởi nó có sức lan tỏa sâu rộng, có khả năng hiệu triệu đông đảo quần chúng bằng sức mạnh của niềm tin và tình cảm yêu mến từ trái tim. Ngược lại, nếu người cán bộ, đảng viên không nỗ lực cố gắng, tu dưỡng rèn luyện, không giữ được mình “mực thước,” thì hậu quả cũng vô cùng nguy hại, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chính vì vậy, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí đề cao trách nhiệm nêu gương thì sức lan tỏa sẽ rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.”

Rèn luyện đội ngũ, nâng cao năng lực, uy tín của Đảng

“Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải mực thước cho người ta bắt chước”, cách nói giản dị đó thể hiện rõ tư tưởng của Bác Hồ về trách nhiệm và bổn phận nêu gương của cán bộ, đảng viên, về công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ những người tiêu biểu nhất, tiên tiến nhất, xứng tầm lãnh đạo cách mạng. Để thực sự nêu gương, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trách nhiệm, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng nhân dân… 

Càng giữ chức vụ cao, yêu cầu, đòi hỏi càng lớn. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải nói đúng, làm đúng, đạo đức lối sống phải trong sáng, lành mạnh, tác phong công tác phải mẫu mực, quần chúng mới tin tưởng, yêu mến và noi theo. Làm sao có thể nêu gương khi bản thân cán bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc, quy định, điều lệ Đảng, vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao để trục lợi, lo vun vén cá nhân, ưu ái cho người thân, gia đình trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ…

Làm sao nhân dân có thể yêu mến, tin cậy những ông quan “nói một đằng, làm một nẻo,” kêu gọi người khác sống lành mạnh, tiết kiệm, trong khi bản thân sống xa hoa, lãng phí bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ… 

Những ung nhọt đó nếu không sớm cắt bỏ sẽ “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, như nghị quyết trung ương 4 Khóa XII nhận định. 

Qua các thời kỳ lịch sử, đồng hành cùng dân tộc, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, có nhiều giải pháp quyết liệt để làm tốt nhiệm vụ trọng yếu này. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm ngăn chặn cho được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Với quan điểm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đề cập một cách bài bản, khoa học việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Bài 1: Trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ