Để ai cũng phục hồi sau đại dịch

05/01/2022 09:36

Nước ta đã chuyển sang chính sách "thích ứng an toàn, linh hoạt" với dịch COVID-19.

Lý do quan trọng nhất là bởi Việt Nam đã có độ phủ vaccine khá rộng, đang tiêm mũi thứ 3 cho toàn dân và không thể phong tỏa mãi.

Quốc kế, dân sinh trong lúc này là phải nhanh chóng phục hồi các chuỗi sản xuất, hệ sinh thái vốn bị đứt gãy sau nhiều tháng giãn cách.

Du lịch là một ngành dịch vụ nhưng có liên quan trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất. Phục hồi cho du lịch cũng chính là một phần phục hồi cho giao thông đi lại, cho sản xuất nông nghiệp, đánh bắt hải sản…

Kỳ nghỉ Tết dương lịch 2022 vừa qua, nhiều địa phương, trong đó có TP Vũng Tàu, đã đón một lượng khách rất lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những cơ sở kinh doanh du lịch và dĩ nhiên cũng mừng cho những nhà xe chạy tuyến Vũng Tàu, mừng cho người nông dân trồng rau, ngư dân đánh cá…

Thế nhưng, cũng qua việc Vũng Tàu đón khách trong đại dịch này đã lộ ra những chuyện không hay. Theo thông tin trên một số tờ báo, vì giá phòng nghỉ được hét quá cao nên một số du khách bình dân chỉ đi xe máy đến Vũng Tàu ngắm biển, dạo lòng vòng rồi… trở về. 

Lại có chuyện một khách sạn ở Vũng Tàu phải lên mạng đính chính rằng họ chỉ cho phép trang web A đăng thông tin bán phòng cho mình nhưng trang B lại lấy đăng bán phòng nghỉ, thu tiền của du khách gây ra phiền toái. Một số vựa hải sản còn lợi dụng đẩy giá bán ghẹ lên đến 700.000 đồng/kg, trong khi ngày thường loại ghẹ tầm trung này giá chỉ một nửa.

Nhiều năm trước, Vũng Tàu là thành phố bị mang tiếng bởi nạn "chặt chém" du khách, lấy giá cao ngất ngưởng. Chính quyền và ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này. 

Những câu chuyện trên chưa thể nói là nạn "chặt chém" tái diễn, nhưng trong tình cảnh ai cũng đã "bị thương" trong đại dịch và mong muốn "phục hồi" thì không nên và không hay chút nào. Hỗ trợ giúp nhau trong đại dịch đã rất quý, chia sẻ để phục hồi sau đại dịch càng đáng quý hơn. Đó là cùng nhau nắm tay để vượt qua khó khăn.

Chủ khách sạn, nhà nghỉ có thể giảm chút giá để du khách bình dân có cơ hội được ngâm mình dưới biển, được nghỉ lại một đêm ở Vũng Tàu sẽ vui vẻ biết bao. Thương lái hải sản có thể lấy rẻ chút đỉnh để ai cũng được nhâm nhi hương vị biển sẽ đáng trân trọng biết nhường nào. 

Chỉ mong những chuyện xảy ra trên chỉ là số ít trong vô vàn những câu chuyện thấm đượm tình người trong dịch giã, đạo đức trong kinh doanh.

Phục hồi làm ăn, phát triển kinh tế sau đại dịch không phải là dựa vào lý do hàng hóa khan hiếm để chèn ép đối tác, lấy giá cao với khách hàng để bù lại những tháng ngày ngưng trệ. Phục hồi ở đây là câu chuyện của cả một hệ sinh thái, cả một chuỗi sản xuất. Không thể một cá nhân, một cơ sở nào đó tự mình có thể phục hồi được mà không nhờ vào đối tác, nhờ vào khách hàng.

Và để cả xã hội ai cũng đứng dậy được sau cơn dịch giã thì mỗi cá nhân, mỗi con người cần có sự sẻ chia, thông cảm và bớt đi chút lòng tham, vị kỷ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để ai cũng phục hồi sau đại dịch