Dạy xác suất, thống kê từ lớp 2: Khó hay không khó?

06/11/2019 18:09

Thông tin sẽ có nội dung xác suất, thống kê vào môn toán của chương trình giáo dục mới từ lớp 2 khiến nhiều phụ huynh xôn xao.


Một tiết học thử nghiệm sách giáo khoa môn toán viết theo chương trình mới 

Xác suất, thống kê trước đây được đưa vào chủ yếu ở lớp 7, lớp 10, một chút ở lớp 4, 5. Ở chương trình mới, nó sẽ xuất hiện từ lớp 2 đến lớp 12, đề cập theo hướng đồng tâm, nâng cao dần.

Đơn giản và cần thiết

Nhìn tổng thể, nội dung xác suất, thống kê trong chương trình mới không tăng nặng về kiến thức nhưng thay đổi lớn về thời lượng nhằm hình thành các năng lực, kỹ năng giúp học sinh có nhận thức, có khả năng phân tích, đánh giá, xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Cụ thể ở cấp tiểu học, thời lượng dạy xác suất, thống kê là 3%, đến THPT là 14%.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn toán cho biết nhiều người nhìn vào tên gọi "xác suất, thống kê" - vốn là khái niệm trừu tượng - nên lo sợ con trẻ bị quá tải, bị học khó quá và không cần thiết phải học khó như thế ở lớp 2, lớp 3.

Nhưng nếu nghiên cứu chương trình, đọc các bài học thiết kế theo chương trình sẽ thấy nó nhẹ nhàng, đơn giản nhưng rất thiết thực với học sinh từ bậc tiểu học. 

GS Đỗ Đức Thái đưa ra ví dụ khi chơi cá ngựa, mỗi lần gieo viên xúc xắc, các em học sinh sẽ thấy không thể chắc chắn gieo được mặt sáu, mặt năm, mà còn có thể có cả một, hai... Thao tác đó cho các em khái niệm về sự "chắc chắn" hay "có thể". 

Hay một trò chơi khác, cho các quả bóng màu xanh và đỏ vào hộp kín và thò tay lấy bóng ra, có thể sẽ lấy vào quả xanh, nhưng có thể lấy quả đỏ.

Theo ông Đỗ Đức Thái, nói dạy "xác suất" ai cũng sợ, nhưng thực chất nó đơn giản, nhẹ nhàng như thế. Đó là cách để trẻ có khái niệm ban đầu về những hiện tượng, sự việc có thể hoặc không thể xảy ra trong cuộc sống. Nó không chỉ có trong toán, mà còn có trong các môn học khác như tự nhiên xã hội khi đặt ra các tình huống cụ thể. 

Ví dụ nếu sờ tay vào ổ điện, ổ điện không có điện sẽ không sao cả, nhưng nếu có điện sẽ gặp nguy hiểm. Dạy trẻ điều đó để biết khi ta hành động thì sẽ xảy ra hậu quả gì...

Tương tự, bài học về "thống kê" ở tiểu học cũng đơn giản như vậy. Ở lớp 2, trẻ có thể sẽ thực hiện các yêu cầu đi trong lớp xem có bao nhiêu bạn đang có tẩy, bút chì, vở và ghi lại con số đã đếm. Đó là cách để trẻ làm quen với thao tác thu thập, kiểm đếm đơn giản. 

Lớp 3, cao hơn một chút, sẽ ấn định tiêu chí để học sinh thu thập, kiểm đếm. Ví dụ đặt yêu cầu "hãy xem lớp có bao nhiêu bạn nam, bao nhiêu bạn nữ?". Học sinh đếm và ghi thống kê số học sinh nam riêng, nữ riêng, trên tổng số bao nhiêu...

Học toán qua hoạt động, trò chơi

Quan điểm của các nhà biên soạn chương trình - sách giáo khoa (SGK) và một số chuyên gia đã tiếp cận giáo dục hiện đại đều cho rằng toán học sẽ không khó, không trừu tượng khô khan khi được đặt vào cuộc sống để học sinh quan sát, thao tác, vận dụng. 

Cái học sinh có được qua "quy trình học" không chỉ là kiến thức trong sách vở, mà là cách xử lý, giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Kiến thức được đúc rút từ thực tiễn, quá trình hoạt động và soi chiếu lại bằng việc vận dụng.

GS-TSKH Đinh Thế Lục, Tổng chủ biên môn toán của bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực" bậc tiểu học cho biết các bài học trong SGK cũng biên soạn theo chuỗi hoạt động, gắn với thực tiễn cuộc sống. 

Thay vì cung cấp kiến thức, các khái niệm, giáo viên có thể đưa học sinh vào các tình huống khác nhau trong cuộc sống thông qua các hoạt động đa dạng. Học sinh trả lời được các câu hỏi "vì sao?", "làm như thế nào?" trong mỗi tình huống cụ thể thì có nghĩa sẽ hiểu bản chất của toán học và dễ dàng vận dụng, chứ không khó hiểu như nhiều người tưởng. 

"Thay vào việc dạy cho học sinh những kiến thức mà các em không biết để làm gì, bây giờ là dạy cho học sinh biết giải quyết các vấn đề trong cuộc sống" - ông Lục chia sẻ.

TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét nếu nhìn vào chương trình, nhất là nhìn vào các bài học trong SGK - cụ thể hóa chương trình thì thấy "xác suất, thống kê" không đáng sợ, không ghê gớm như người ta bàn tán. 

Nó sẽ khó nếu mang các khái niệm trừu tượng với cách diễn giải khó hiểu, hàn lâm áp đặt vào học sinh. Nhưng sẽ dễ hiểu và đơn giản nếu đưa nó vào các hoạt động, tình huống cụ thể, thao tác cụ thể.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - phó trưởng ban phụ trách ban nghiên cứu đánh giá giáo dục Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT, người sáng lập chương trình toán POMATH - chia sẻ: Kiến thức toán học phổ thông không có gì quá phức tạp. Lâu nay, rất nhiều người kêu toán khó, sợ toán vì họ chứng kiến những bài học được tạo ra bởi sự khai thác quá sâu các "mẹo", đòi hỏi người học những kỹ năng biến đổi sơ cấp mà lại áp đặt tất cả người học phải theo.

Vì thế, khi bàn đến dạy gì, dạy thế nào ở phổ thông, chúng ta nên tiếp cận trên bình diện giáo dục học, tâm lý học, phải tôn trọng quy luật của quá trình nhận thức và tính vừa sức đối với lứa tuổi cùng cả bối cảnh xã hội nữa.

Trở lại vấn đề, như chúng ta đã biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã được ban hành, phải mất nhiều thời gian chương trình này mới được phê duyệt. Vì thế, để nội dung này chính thức có mặt thì ban soạn thảo đã phải chứng minh rất chặt chẽ tính cần thiết của nó.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Dạy xác suất, thống kê từ lớp 2: Khó hay không khó?