Từng có thời gian, giới chuyên gia thế giới đã dự đoán hoạt động kinh doanh của Apple sẽ chững lại. Vào năm 2020, mọi thứ đã thay đổi.
Apple đang ngày một bỏ xa các đối thủ trong cuộc đua định giá thương hiệu
Mặc cho những diễn biến phức tạp xảy ra từ đầu năm 2020, từ đại dịch Covid-19 cho đến cuộc điều trần chống độc quyền trước Hạ viện Mỹ, gã khổng lồ công nghệ Apple đang có một năm ăn nên làm ra vô cùng ấn tượng.
Theo Bloomberg, cổ phiếu của Apple đã tăng 1,5% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa vào sáng hôm 10.8, giúp công ty này tiến sát đến cột mốc 2.000 tỷ USD tổng giá trị vốn hóa thị trường.
Cụ thể, giá trị cổ phiếu Apple tăng phi mã gần như gấp đôi kể từ phiên giao dịch chạm đáy hồi tháng 3 vừa qua. Thành tích này phần nào dựa trên sự khởi sắc trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II.2020 của Apple khi nhu cầu về iPhone, iPad và Macbook tăng mạnh, phá vỡ mọi dự đoán của Phố Wall.
Nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ thái độ tích cực về kế hoạch chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 1:4 của công ty.
Dựa trên phiên giao dịch gần nhất, tổng giá trị vốn hóa của Apple đã chạm đến con số 1.900 tỷ USD, để vươn lên cột mốc lịch sử, giá trị cổ phiếu của công ty cần tăng thêm hơn 5%.
Apple đang trở thành công ty đắt giá nhất thế giới, thậm chí vượt mặt “ông trùm” dầu khí Saudi Aramco. Tính đến thời điểm hiện tại, định giá của Apple rơi vào khoảng 85% tổng vốn hóa thị trường của toàn bộ chỉ số Russell 2000 Index.
Cổ phiếu của công ty được đánh giá ổn định hơn so với hai đối thủ là Microsoft và Amazon, cả hai công ty hiện xếp lần lượt ở vị trí phía sau Apple với giá trị vốn hóa khoảng 1.600 tỷ USD.
Trong tay Tim Cook, Apple dường như "bất bại"
Tuy nhiên, một vài nhà phân tích đã bày tỏ sự thận trọng về những bước tiến gần đây của Apple. Ngân hàng Deutsche Bank hôm 10/8 cho biết vẫn tồn tại nhiều yếu tố "khiến chúng tôi phải đắn đo về mức độ và tốc độ tăng", bao gồm lý do tỷ lệ giá trên thu nhập (price-earning ratio) của Apple đang cao hơn mức trung bình dài hạn.Theo dữ liệu từ S&P Dow Jones Indices, thị phần vốn hóa Apple đạt mức 6,5% trên sàn S&P 500, vượt qua mốc kỷ lục 6,4% trước mà công ty máy tính B&M nắm giữ 35 năm trước.
“Theo quan điểm của chủ nghĩa đảo ngược, sự phát triển của Apple khiến nhiều người có khuynh hướng tiêu cực hơn”, nhà phân tích Jeriel Ong tại Deutsche Bank nhận xét.
Ông cũng cho biết thêm, dù cho giá trị cổ phiếu Apple tăng, “lợi nhuận của công ty này vẫn không cao hơn đáng kể, tăng trưởng doanh thu không đồng đều với thời gian”.
Deutsche Bank đang cân nhắc việc nâng giá cổ phiếu Apple từ 440 USD lên 480 USD. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ có thể được thông qua khi doanh thu và lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) trong tương lai của công ty tăng trưởng tốt, nếu không, việc này sẽ chỉ giới hạn mức trần tăng giá của cổ phiếu Apple.
“Mặc dù có nhiều nguyên nhân giải thích cho màn trình diễn của Apple, chưa chắc động thái này sẽ bền vững trong thời gian tới", Ngân hàng Mỹ cho biết sau khi hạ cấp Apple trên thị trường chứng khoán vào tuần trước.
Kể từ khi Tim Cook bắt đầu điều hành tập đoàn vào năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của Apple tăng vọt 200%. Giá trị vốn hóa của tập đoàn vọt từ 348 tỷ USD lên 1.900 tỷ USD. Apple sở hữu 81 tỷ USD tiền mặt, không tính đến nợ, và đã trả 475,5 tỷ USD cho các cổ đông.
Theo Zing