Tháng 9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại nhiều địa phương cao hơn so với những tháng trước đó, nhưng tổng 9 tháng, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này vẫn thấp.
Đồng chí Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về "Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020"
Sáng 14.10, đồng chí Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chủ trì hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng năm 2020.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ tỉnh Bắc Ninh do không được giao kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020).
Đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Theo thông tin được đồng chí Trương Hùng Long đưa ra tại hội nghị, đến ngày 30.9, số giải ngân đầu tư vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, bao gồm cả số giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước đạt tỷ lệ 29% so với dự toán được giao; trong đó, số giải ngân trong tháng 9.2020 tăng thêm 8% so với tỷ lệ giải ngân tính đến 31.8.
Số các địa phương đã phân bổ và nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) tính đến ngày 30.9 đạt 97% dự toán (vốn cấp phát), tăng 6,6% so với một tháng trước đó. Trong số dự toán trên, số dự toán các địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách Trung ương tính đến ngày 30.9 chiếm 11,73% dự toán.
Về nguồn vốn Trung ương cho địa phương vay lại, các địa phương đã phân bổ và hệ thống Tabmis tính đến ngày 30.9.2020 đạt 75,3% dự toán, tăng 1,2% so với thời điểm 31.8.
Tỷ lệ giải ngân chung nguồn Trung ương hỗ trợ cho địa phương từ nguồn nước ngoài theo phương thức ghi thu ghi chi, bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và Trung ương cho vay lại là 30,4% dự toán được giao.
Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương theo kế hoạch vốn 2019, phần được chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện đến 31.12.2020 của các địa phương đạt 71,6% so với dự toán 2019 được chuyển nguồn bao gồm cả số vốn giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Đức Sáng chủ trì tại điểm cầu Hải Dương
Đồng chí Trương Hùng Long nhận định, tỷ lệ giải ngân tháng 9.2020 đã có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8.2020, nhưng tổng giải ngân 9 tháng đầu năm vẫn là thấp so với dự toán 2020. Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương đạt 32,43% trong khi thời gian giải ngân dự toán 2020 còn lại là 4 tháng.
Việc quản lý vốn nhàn rỗi trên các tài khoản tạm ứng được tăng cường, Bộ Tài chính cho biết, số dư vốn ứng chưa báo cáo hoàn chứng từ trên các tài khoản tạm ứng giảm dần qua các thời điểm 31.12.2019, 31.8.2020 và 30.9.2020. Cùng với đó, vốn giải ngân thực thanh toán tăng, thời gian chi tiêu trung bình từ các tài khoản tạm ứng giảm từ 7 tháng xuống còn 3 - 4 tháng. Điều này góp phần giảm chi phí trả lãi vay cho ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đẩy nhanh giải ngân.
Để có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, Bộ Tài chính cho biết, với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân đối với các dự án có tài khoản đặc biệt, tài khoản tạm ứng, các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán; gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính, để giảm số dư nợ tạm ứng với bên cho vay nước ngoài.
Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô (có một cơ quan giữ vai trò chủ quản điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý) để kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án ô hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm. Đối với vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc Nhà nước, các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ Tài chính.
Riêng Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này.
Đồng thời, trao đổi với các đối tác phát triển để tiếp tục tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp; xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký Hợp đồng cho vay lại.
Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, nguồn vốn vay nước ngoài giao cho tỉnh Hải Dương năm 2020 là 115,2 tỷ đồng. Số vốn này được phân bổ cho các dự án: Sửa chữa nâng cao an toàn hồ đập 80 tỷ đồng; Phát triển tổng hợp các đô thị động lực TP Hải Dương 35,2 tỷ đồng. Đến ngày 12.10, Sở Tài chính đã nhập dự toán đủ số tiền cho 2 dự án trên vào hệ thống Tabmis. Cả 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa có số liệu giải ngân.
Đến nay, ngoài Hải Dương còn 3 tỉnh khác chưa có số liệu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài là Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Tiền Giang.
TTXVN - HÀ KIÊN