Không còn những trận đòn roi, không còn nơm nớp lo sợ, cu Minh hoạt bát hẳn ra. Thằng bé dường như đã lấy lại được sự hồn nhiên của một đứa trẻ.
Đọc báo thấy bài viết về cháu bé 6 tuổi ở huyện Cẩm Giàng bị mẹ đẻ bạo hành, mặt cháu dù đã bị làm mờ nhưng vẫn thấy rõ những vết thâm tím, chị Hằng bật khóc. Hoàn cảnh của cháu bé làm chị nhớ lại cuộc sống đày đọa mà mẹ con chị đã từng trải qua mấy năm trước.
Anh Hưng chồng cũ của chị Hằng là người cục cằn, tính nóng như lửa. Khi chị mới sinh đứa con đầu lòng, anh chồng rất chịu khó chăm con. Mấy tháng đầu, thằng bé rất hay quấy đêm, các cụ bảo nó “khóc dạ đề”. Mỗi khi con khóc, anh còn bật dậy trước cả chị, bế con nựng nịu. Lần nào tắm cho thằng bé, anh cũng muốn tham gia. Sau này khi thằng bé lớn hơn một chút, anh mang con đi chơi rất nhiều nơi. Ai cũng bảo anh chiều vợ, chiều con nhất làng. Nhiều người còn bảo anh là đàn ông mà thích đèo bòng hơn cả phụ nữ. Không ai biết, chiều thì chiều thật, nhưng mỗi khi anh nổi nóng thì cục súc không ai bằng.
Ngày ấy, cu Minh hay ốm vặt, mỗi tháng lại mất vài ngày thuốc, mà mỗi lần cho nó uống thuốc là một lần cả nhà đánh vật. Biết thằng bé sợ thuốc đắng nên các bà thường hay nghiền nhỏ ra, hòa thêm với ít đường rồi dùng thìa cho bé uống từng ngụm thật nhỏ. Chị bế cu Minh, còn bà nội hoặc bà ngoại đút thuốc cho bé. Nhưng lần nào thằng bé cũng giãy đạp, thuốc có khi đổ ra ngoài quá nửa. Nhiều khi vừa cho thằng bé uống thuốc xong, nó lại nôn thốc nôn tháo ra hết. Mấy lần chứng kiến như thế, anh Hưng bực mình bắt vợ và mẹ lui ra hết, muốn tự mình ra tay. Tưởng thế nào, hóa ra anh không nghiền thuốc nhỏ ra nữa mà cầm viên thuốc chờ lúc thằng bé vừa há miệng khóc thì ném thẳng vào miệng rồi đánh mông cho cu Minh khóc thét lên để nuốt viên thuốc xuống. Uống xong thuốc thì mông thằng bé cũng sưng đỏ lên.
Khi cu Minh được tầm 4-5 tuổi, lứa tuổi bắt đầu hiếu động, hay nghịch thì cũng là lúc tần suất các trận đòn roi tăng lên. Đáng nói là anh Hưng không đánh vào mông, vào người thằng bé mà thường xuyên tát thẳng hoặc lấy dép vả vào mặt cu Minh khiến nó vô cùng khiếp sợ. Dần dần, thằng bé hình thành thói quen tự vệ, mỗi lần bị bố đánh cu Minh lại đưa hai tay lên bảo vệ đầu. Có lần, chị vừa đi làm về thì thấy cu Minh đang hai tay ôm đầu, nằm còng queo trên nền đất, còn anh Hưng thì tới tấp tát thằng bé. Những lúc như thế, hễ chị Hằng hoặc hai bà nội, ngoại mà lên tiếng can thiệp anh ta càng đánh mạnh.
Sau mỗi trận anh Hưng “lên cơn” xong, chị Hằng lại ngồi thủ thỉ rằng việc dạy con là cần thiết nhưng phải phân tích, giảng giải cho con hiểu ra nó sai ở đâu chứ không phải hơi một tý là động tay động chân. Đòn roi nhiều sẽ phản tác dụng, thằng bé sẽ càng ngày càng rạn đòn. Nghe vợ phân tích, anh ta chỉ ậm ừ nhưng rồi lại đâu đóng đấy.
Lần cuối cùng khiến “giọt nước tràn ly” là khi chị đi du lịch cùng cơ quan, cu Minh ở nhà trong lúc giằng co đồ chơi làm cu Bi hàng xóm bị ngã vập vào cạnh bàn, đầu chảy nhiều máu. Lúc ấy, anh Hưng vừa đi làm về, bực quá liền xông vào đạp, đánh con tới tấp. Thằng bé bị bố đạp ngã lăn từ hiên nhà xuống sân, bị gãy tay. Chị biết tin, vội bắt xe về ngay với con. Công an xã đến nhà làm việc, tìm hiểu vụ việc nhưng trước khi họ đến, mẹ chồng đã khóc lóc cầu xin chị Hằng bỏ qua mọi chuyện. Bà bảo chị hãy vì tình nghĩa vợ chồng bao năm, đừng để cu Minh sau này hận bố, vì nể tình của bà mà tha cho anh Hưng. Mọi chuyện sau đấy được dàn xếp thành sự cố ngoài ý muốn. Nhưng khi cu Minh ra viện cũng là lúc chị Hằng đệ đơn ly hôn. Mặc dù không ai muốn nhưng lo sợ những sự việc tương tự sẽ lại tái diễn, sợ hậu quả lần sau có thể còn nghiêm trọng hơn nên gia đình hai bên không ai dám khuyên ngăn nữa. Anh Hưng cũng hối hận nhưng không thể níu kéo, đành phải chấp nhận ra tòa.
Từ ngày được giải thoát, hai mẹ con chị Hằng chuyển về sống với bà ngoại. Không còn những trận đòn roi, không còn nơm nớp lo sợ, cu Minh hoạt bát hẳn ra. Thằng bé dường như đã lấy lại được sự hồn nhiên của một đứa trẻ, chị cũng dần tìm lại được sự an yên trong cuộc sống.
HIẾU THUẬN