Đầu xuân gặp nông dân xuất sắc

04/02/2014 18:18

Ông Phạm Văn Quất ở thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng (Thanh Miện) là người duy nhất của Hải Dương được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”.




Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013” cho ông Phạm Văn Quất 



Thu lãi 1,2 tỷ đồng/năm từ nuôi thủy sản

Đến thăm trang trại thủy sản vào ngày đầu năm mới và được nghe câu chuyện làm giàu từ chính chủ nhân trang trại trên, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và thán phục trước những thành quả mà ông Quất có được. Theo quan sát của chúng tôi, với diện tích 4,3 ha đất đấu thầu của xã, ông Quất chia làm 2 khu để sản xuất cá giống. Hầu hết diện tích ao nuôi đã được bê-tông hóa kiên cố, trang bị hệ thống bể cá đẻ, thiết bị ấp nở giống, đầu tư nhập giống cá bố mẹ. Nhấp chén trà nóng, ông Quất cho biết: “Năm 1982 tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, sau đó làm công nhân tại Trại cá Lê Hồng (Thanh Miện). Trong thời gian làm ở đây, tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ dịch bệnh cho cá giống, vì thế năm 1996 tôi xin nghỉ chế độ về nhà quyết chí làm giàu”. Nhìn đồng đất mênh mông nhưng việc cấy lúa của nông dân hiệu quả không cao nên nhiều đêm ông Quất không ngủ, trằn trọc suy nghĩ. Với quyết chí làm giàu trên quê hương, ông bàn với vợ vay tiền nhận đấu thầu 14 sào đất bãi trũng trồng lúa 1 vụ bấp bênh của xã để đào ao sản xuất cá giống.

Quá trình khởi nghiệp của ông Quất gặp không ít khó khăn do thổ nhưỡng chưa phù hợp, thêm vào đó là kinh nghiệm sản xuất cá giống chưa nhiều nên trong 2 năm đầu việc làm ăn không hiệu quả. Với bản lĩnh của người lính, cùng với lòng quyết tâm, không nản chí trước khó khăn, ông Quất tiếp tục vay tiền mở rộng quy mô, đồng thời tích cực học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi cá giống có hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh và tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân (HND) các cấp tổ chức. Việc sản xuất cá giống của ông Quất ngày càng thuận lợi. Đến năm 2008, diện tích ao sản xuất cá giống của ông Quất đã lên tới 2 ha. Đầu năm 2009, ông Quất tiếp tục đấu thầu thêm 2,3 ha đất trũng của xã để sản xuất cá giống, nâng tổng số diện tích đến nay là 4,3 ha, với 29 ao nuôi (gồm 10 ao nuôi cá giống bố mẹ để sinh sản và 19 ao ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống). Lợi nhuận thu được qua các năm được tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Kinh nghiệm của ông Quất trong việc sản xuất cá giống là, cứ mỗi năm ông lại chọn lọc và nhập cá giống bố mẹ mới để lai tạo tránh hiện tượng đồng huyết, kết hợp với các trang thiết bị ấp nở giống hiện đại vì thế con giống khỏe mạnh, chất lượng cao. Ngoài ra, ông thường xuyên nhập cá bột giống mới có năng suất cao để cung ứng cá bột và ương nuôi thành cá giống phục vụ nhu cầu của thị trường. Trang trại thủy sản của gia đình ông Quất nhiều năm liền là địa chỉ tin cậy cung ứng cá giống các loại cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Quất đặc biệt quan tâm đến việc phòng trừ dịch bệnh. Hằng năm trang trại của gia đình sản xuất trên 150 triệu con cá bột cung cấp ra thị trường và phục vụ cho việc ương nuôi của trang trại. Năm 2013, doanh thu từ sản xuất cá giống của ông Quất đạt trên 6 tỷ đồng (tăng 1 tỷ đồng so với năm 2012), lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng.



Ông Quất kiểm tra các lồng cá giống


Đi đầu các phong trào   

Không những làm giàu cho gia đình, ông Quất còn được biết đến là người tích cực trong các phong trào và là “mạnh thường quân” của nông dân nghèo. Nói về điều này, ông Trần Xuân Biên, Chủ tịch HND xã Cao Thắng cho biết: “Các phong trào chung của địa phương cũng như của HND huyện, xã phát động đều được ông Quất đồng tình, ủng hộ. Cũng thông qua sự giúp đỡ của ông Quất, những năm qua nhiều hội viên nông dân đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”. Hiện nay, trang trại của ông Quất tạo việc làm ổn định cho 11 người, với mức thu nhập bình quân mỗi người 5 triệu đồng/tháng. Vào thời kỳ cao điểm, ông Quất còn thuê thêm hàng chục lao động với mức thu nhập mỗi người từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Là một trong những người làm công cho ông Quất nhiều năm, đến nay gia đình ông Đỗ Văn Bội ở cùng xã đã vươn lên thoát nghèo. Gặp chúng tôi khi vừa cho cá ăn xong, ông Bội cho biết: “Gia đình tôi trước là hộ nghèo của xã, cả năm chỉ trông vào vài sào ruộng khoán vì thế có năm chưa đến mùa thu hoạch đã hết thóc ăn. Biết được hoàn cảnh của gia đình tôi, anh Quất đã nhận tôi vào làm công. Nhờ chịu khó làm ăn, tích góp nên gia đình tôi đến nay đã vươn lên thoát nghèo”.

Không chỉ tạo công ăn việc làm, ông Quất còn thường xuyên cung ứng giống dưới hình thức bán chịu cho nhiều hội viên nông dân trong và ngoài xã, đến khi thu hoạch mới lấy tiền mà không hề lấy lãi. Có nhiều hộ, ông đứng ra cung ứng giống sau đó lại bao tiêu sản phẩm vì thế tạo sự yên tâm cho người nuôi cá. Ông Quất cũng trực tiếp hướng dẫn, tư vấn, phổ biến kỹ thuật nuôi cá giống, cung cấp thông tin về thị trường cho nông dân nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nuôi thủy sản cho hàng nghìn lượt nông dân.

Với suy nghĩ liên kết sản xuất giúp các thành viên cùng nhau phát triển kinh tế, năm 2008, được sự hỗ trợ, động viên của HND xã, ông Quất đứng ra thành lập tổ liên kết ương nuôi cá giống, gồm 22 thành viên trong xã. Các thành viên trong tổ liên kết đã cùng nhau nhập giống cá bột, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học… với giá cả phù hợp, cùng nhau trao đổi hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, liên kết đổi công và tiêu thụ cá giống.

Hằng năm ông Quất cũng hỗ trợ, giúp cho 15 - 20 hộ nghèo, hộ khó khăn trong xã về giống, thức ăn chăn nuôi dưới hình thức trả chậm và bao tiêu sản phẩm. Nhờ sự giúp đỡ đó, mỗi năm có 5-6 hộ thoát nghèo. Hiện nay, ông Quất còn nhận đỡ đầu cho hai cháu mồ côi thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã, hằng tháng trợ cấp để thêm tiền chi phí ăn học. Từ năm 2002 đến nay, gia đình ông Quất luôn đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương”.

Chia tay chúng tôi, ông Quất tâm sự: “Đạt được Nông dân Việt Nam xuất sắc là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Đây cũng là nguồn động lực giúp tôi phấn đấu hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh và ngày càng có nhiều việc làm thiết thực để chung tay giúp đỡ hội viên, nông dân khác cùng tiến bộ”.

Ngày 15-10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trung ương HND Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” cho 62 nông dân xuất sắc. Đây là những nông dân năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao… Ông Phạm Văn Quất là người duy nhất của tỉnh Hải Dương được nhận danh hiệu cao quý này.


NGUYỄN MẪN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu xuân gặp nông dân xuất sắc