Trong số 8 người tháp tùng gần gũi, được Bác Hồ đặt lại tên 'Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi' ông Tạ Quang Chiến đứng thứ tư.
Ở tuổi 93, mặc dù sức khỏe đã có phần giảm sút, nhưng đầu óc, trí tuệ của ông vẫn minh mẫn đến ngạc nhiên.
Vào ngày gần cuối năm 2017, tôi tìm tới một con ngõ nhỏ khiêm tốn trên đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội, vào khu Tập thể của Tổng cục Thể dục thể thao để gặp ông Tạ Quang Chiến, vẫn đang sống ở đây. Hẹn vào 9h sáng, nhưng khi đến nơi thì thấy ông đã mặc áo vét nghiêm chỉnh, pha nước ngồi chờ sẵn ở bàn làm việc từ lúc nào. Ở tuổi 93, mặc dù sức khỏe đã có phần giảm sút, nhưng đầu óc, trí tuệ của ông vẫn minh mẫn đến ngạc nhiên.
Ông Tạ Quang Chiến
Người thứ tư được Bác Hồ đặt tên
Tên thật của ông Tạ Quang Chiến là Nguyễn Hữu Văn, quê gốc ở Gia Lộc, Hải Dương, nhưng năm 1925 ông được sinh ra ở Thanh Hóa, mảnh đất từ xa xưa đã giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Thời Pháp thuộc, cậu bé Nguyễn Hữu Văn theo gia đình ra Hà Nội. Sớm giác ngộ cách mạng, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Hữu Văn đã tham gia hoạt động trong tổ chức thanh niên cứu quốc. Năm 1945 là chiến sĩ của Đội tự vệ cứu quốc Hoàng Diệu, đơn vị vũ trang đặc biệt trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Cuối năm 1945 ông được nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn vào tổ thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông đã có hơn 10 năm được gần gũi Bác Hồ, trong đó có nhiều năm làm Trưởng phòng 1 của Phủ Chủ tịch. Từ điểm xuất phát này, ông đã phấn đấu, trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt, được đào tạo cơ bản về lý luận tại các trường Đảng cao cấp ở trong và ngoài nước và kinh qua các công tác Đảng cơ sở, làm Bí thư đảng ủy cơ quan và từng làm một số công tác quản lý như: Vụ trưởng vụ Nghiên cứu lịch sử Đảng; Bí thư Trung ương đoàn thanh niên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (giai đoạn 1981 - 1992) và là đại biểu Quốc hội khóa VII...
Nhớ về kỷ niệm được Bác Hồ đặt lại tên, ông Tạ Quang Chiến cho biết: - Đầu năm 1947, khi chiến sự ngày càng ác liệt, các cơ quan Trung ương Đảng được lệnh rút về vùng căn cứ địa. Tổ thư ký được đi cùng Bác về Việt Bắc gồm 8 người là: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và tôi là Nguyễn Hữu Văn. Nói là cận vệ thì chưa đúng, vì thực tế chúng tôi làm tất cả các công việc như cảnh vệ, văn phòng, thư ký, liên lạc và hậu cần trên tinh thần một người có thể làm được nhiều việc. Nhưng nhiệm vụ bảo vệ Bác, lo sao cho Bác khỏe mạnh vẫn là quan trọng nhất. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải thường xuyên thay đổi chỗ ở. Tháng 3-1947 trong một ngày trời giá rét, nhưng theo kế hoạch vẫn phải chuyển đến một nơi ở mới.
Trong quá trình di chuyển, chúng tôi đốt củi để sưởi ấm. Ngồi quây quần bên đống lửa, Bác Hồ nhìn mọi người và nói: “Hôm nay Bác đặt tên lại cho các chú tính theo thứ tự vòng tròn các chú đang ngồi nhé: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Đặt tên xong Bác hỏi: “Các chú có biết tại sao Bác đặt tên cho các chú như vậy không?”. Rồi Bác giải thích: “Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện nay vừa là trước mắt, vừa lâu dài là cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đến thắng lợi. Vì vậy, Bác đặt lại tên cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hằng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Cái tên Tạ Quang Chiến gắn với tôi kể từ hồi đó, và nay trong 8 người trên chỉ còn lại mình tôi...
Học Bác Hồ, trước tiên phải hiểu Bác
Ông Tạ Quang Chiến cho biết, giờ đây tuy đã 93 tuổi, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi báo, đài, cập nhật thông tin thời sự trong nước và quốc tế để bổ sung thêm kiến thức mới cho mình. Qua các phương tiện truyền thông, ông tiếp tục quan tâm nghiên cứu các văn kiện của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng đóng góp ý kiến cho các cấp lãnh đạo khi cần. Đưa cho tôi cuốn sách “Hồ Chí Minh - Ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia) của Giáo sư Vũ Khiêu, ông Chiến nhấn mạnh: - Học theo Bác Hồ là phải học thường xuyên để thấm nhuần những tinh hoa minh triết của Người. Nhưng học cái gì, học thế nào mới là quan trọng?! Đồng thời nói phải đi đôi với làm.
Ví dụ như ở Bác là sự liêm khiết, khiêm tốn, chống sùng bái cá nhân, chống duy ý chí... nhưng một số người trong chúng ta vẫn tham lam, vẫn sùng bái cá nhân, tự đề cao mình, vượt qua chân lý khách quan, sa vào duy ý chí chủ quan. Như vậy là chưa học được Bác. Tư tưởng Hồ Chí Minh như nguồn ánh sáng soi rọi cho cả dân tộc. Học Bác trước tiên phải rất hiểu Bác, hiểu những tư tưởng tinh túy nhất của Bác. Không hiểu Bác Hồ mà học Bác là duy ý.
Nói về những mong muốn hiện nay của mình, ông Tạ Quang Chiến đề cao sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và đặc biệt ông rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Theo ông Tạ Quang Chiến, xã hội ta phải phát triển theo cùng sự hội nhập của thế giới, do vậy, thế hệ trẻ cần năng nổ đi đầu. Ngày nay tuổi trẻ của đất nước cần phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, đủ trình độ, kiến thức và bản lĩnh, sẵn sàng hội nhập với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa Việt Nam trở thành một đất nước ngày càng phồn thịnh, sánh vai với nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới.
TRỌNG QUANG (Hà nội mới)