Đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam còn chiếm tỷ lệ nhỏ

16/10/2020 14:36

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết như vậy tại Diễn đàn Hợp tác và đầu tư trong giáo dục diễn ra tại TP Hồ Chí Minh sáng nay 16.10.

Đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam còn chiếm tỉ lệ nhỏ - Ảnh 1.
Ông Phạm Quang Hưng trình bày tại Diễn đàn Hợp tác và đầu tư trong giáo dục sáng nay 16.10

Đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục là xu thế toàn cầu, Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế.

Tính đến 31.12.2019, Việt Nam đã có trên 500 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4,4 tỷ USD. 

Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học.

"Việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt những kết quả nhất định nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng. 

Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Đầu tư của nước ngoài vào giáo dục còn chiếm tỉ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế xã hội của Việt Nam" - ông Phúc nhận định.

Ông Phúc tin tưởng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục do nhà đầu tư trong nước và ngoài nước thành lập tại Việt Nam.

Người Việt sẵn sàng đầu tư để học trường chất lượng

Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có số lượng lớn dân số trẻ, có truyền thống hiếu học và sẵn sàng đầu tư chi phí để được học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng cao.

Hiện nay, có trên 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục chất lượng cao này còn có khả năng thu hút học sinh, sinh viên trong khu vực và quốc tế. 

"Điều này cho thấy nhu cầu về việc xây dựng các chương trình giáo dục quốc tế có chất lượng cao tại Việt Nam là rất lớn" - ông Hưng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Dante Brandi, Tổng lãnh sự Ý tại TP Hồ Chí Minh cho hay Ý không phải là đối tác lớn nhất tại Việt Nam về giáo dục và đầu tư vào giáo dục so với những nước trong và ngoài châu Âu khác, nhưng là một đối tác chiến lược, chất lượng và tâm huyết với lĩnh vực này trong quan hệ hợp tác song phương.

Tổng lãnh sự Ý tại TP Hồ Chí Minh đánh giá cao Nghị định 86 đã đưa ra các quy trình tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư trong giáo dục.

"Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Ý luôn sẵn sàng hỗ trợ các đối tác tiềm năng tiếp xúc, tìm hiểu lẫn nhau và đi đến hợp tác hiệu quả", ông Dante Brandi nhấn mạnh.

Khuyến nghị tạo điều kiện cho hợp tác, đầu tư giáo dục

Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra cuộc tọa đàm trao đổi về các chính sách hợp tác đầu tư trong giáo dục.

Nhiều đề xuất, khuyến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư trong giáo dục tại Việt Nam và các mô hình, các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác trong giáo dục mầm non, phổ thông và đại học cũng đã được chia sẻ tại đây.

Cũng tại "Diễn đàn hợp tác và đầu tư trong giáo dục" đã có 10 thỏa thuận hợp tác đầu tư trong giáo dục giữa các đối tác Việt Nam và các nước được ký kết.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam còn chiếm tỷ lệ nhỏ