Đầu tư 370,76 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

31/03/2011 05:48

Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 12.750 lao động và đào tạo, bồi dưỡng 1.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã về năng lực quản lý hành chính, kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc.

Ngày 30-3, Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" tỉnh (gọi tắt là đề án 1956) triển khai nội dung của đề án đến toàn thể các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan. Đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ đề án chỉ đạo hội nghị.

Đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2011 - 2015 và giai đoạn 2 từ 2016 - 2020. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 12.750 lao động và đào tạo, bồi dưỡng 1.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã về năng lực quản lý hành chính, kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Đối tượng học nghề là tất cả lao động nông thôn trong độ tuổi, trong đó đặc biệt ưu tiên dạy nghề cho người bị thu hồi đất canh tác, đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Trình độ dạy nghề theo chương trình ngắn hạn (3 tháng). Chính sách hỗ trợ kinh phí theo nghề học. Riêng đối với đối tượng lao động bị thu hồi đất canh tác, người được hưởng chính sách ưu tiên, hỗ trợ thêm tiền ăn 15 nghìn đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200 nghìn đồng/người/khóa học cho người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên... Tổng kinh phí thực hiện đề án  là 387 tỷ 360 triệu đồng. Tổng kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 là 370 tỷ 760 triệu đồng.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư 370,76 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn