Bài kiểm tra chỉ kéo dài 1 phút có thể chẩn đoán căn bệnh đột quỵ tiềm ẩn ở những người có vẻ ngoài khỏe mạnh.
Trên thế giới, tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Đây là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do chảy máu bên trong sọ hoặc máu tới não bị gián đoạn đột ngột.
Khi đó, bệnh nhân sẽ bị mất cảm giác, trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, liệt, hôn mê và thậm chí tử vong.
Nụ cười của người khỏe mạnh (trái) và người có nguy cơ bị đột quỵ
Các nhà nghiên cứu đã nghĩ ra bài kiểm tra kéo dài 1 phút để chẩn đoán đột quỵ. Phương pháp này rất đơn giản đến mức ngay cả trẻ em cũng có thể sử dụng.
Đây là một thử nghiệm dễ dàng, nhanh chóng có khả năng cứu hàng nghìn người bị đột quỵ khỏi nguy cơ tàn phế khi được điều trị kịp thời.
Jane Brice, MD, phó giáo sư về y học cấp cứu tại Đại học North Carolina (Mỹ) cho biết: “Người nghi ngờ bị đột quỵ chỉ cần thực hiện 3 bước đơn giản”.
Bài kiểm tra dựa trên thang điểm do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cincinnati phát triển. Bà Brice cho biết bài kiểm tra 3 phần, được gọi là Thang điểm đột quỵ, chẩn đoán được hầu hết các ca bệnh.
Brice và các đồng nghiệp của bà đã đo độ chính xác của bài kiểm tra bằng cách hướng dẫn cho 100 người khỏe mạnh. Sau đó, những người này thực hiện thử nghiệm trên những người trải qua cơn đột quỵ. Để chẩn đoán bệnh, họ cần làm 3 bước sau:
- Bệnh nhân được yêu cầu cười lộ răng. Bài kiểm tra nụ cười được sử dụng để tìm ra điểm yếu một bên khuôn mặt. Đột quỵ khiến một số dây thần kinh bị liệt làm tê cứng nửa hoặc cả mặt, nụ cười méo.
- Người bệnh cần nhắm mắt và nâng cao cánh tay. Người bị đột quỵ thường không thể nâng cả hai cánh tay lên cùng chiều cao.
- Bệnh nhân được yêu cầu lặp lại một câu đơn giản để kiểm tra xem có nói lắp hay không. Đây là một dấu hiệu quen thuộc khác của đột quỵ.
Amy S. Hurwitz, sinh viên y khoa tại Đại học North Carolina, đã giúp thiết kế nghiên cứu. Hurwitz cho biết: “97% người khỏe mạnh làm theo chính xác các hướng dẫn của bài kiểm tra”.
Sau đó, những người khỏe mạnh đã phát hiện 96% bệnh nhân đột quỵ có vấn đề về giọng nói; 97% bị yếu tay; 72% có nụ cười méo.
Edgar J. Kenton, giáo sư thần kinh học tại Đại học Thomas Jefferson, đánh giá: “Việc cứu chữa phụ thuộc nhiều vào thời gian. Các loại thuốc làm tan cục máu đông để điều trị đột quỵ. chỉ hiệu quả trong vòng 3 giờ đầu tiên sau khi một người bị đột quỵ”.
Bởi vậy, ông Kenton và các bác sĩ chuyên khoa đột quỵ khác không ngừng tìm cách để tăng tốc độ chữa bệnh.
Giáo sư Kenton nói: "Cách làm này đơn giản đến nỗi ngay cả một đứa trẻ cũng có thể áp dụng. Hãy nhìn xem có bao nhiêu trẻ đã cứu cha mẹ bằng cách hô hấp nhân tạo và điều này đơn giản hơn nhiều".
Phó giáo sư Brice cũng đồng ý với đánh giá trên và tóm tắt bằng bài kiểm tra bằng 3 cụm từ: “Nói chuyện, vẫy tay, mỉm cười".
Theo Vietnamnet