Tôi có người em định cư ở Anh Quốc, tên là Kim. Biển số xe của Kim có ba chữ K-I-M ở cuối.
Những biển số gắn với cá nhân như vậy không hiếm ở nước ngoài, nhưng không thể ở Việt Nam. Đề xuất đấu giá biển số đã nhiều lần được đặt ra, tới nay vẫn chỉ dừng lại ở dự thảo.
Người Việt kỵ những con số như 49 hay 53. Tôi biết một chủ xe chọn phải con số này đã làm hợp đồng "vờ" bán xe cho người quen ở tỉnh khác và ngay lập tức mua lại xe của chính mình chỉ để có cơ hội "bốc" biển mới. Không ít người cũng làm như vậy.
Nhu cầu có biển số đẹp và phù hợp là rất lớn. Hơn 50% chủ xe đã trả phí để chọn biển số khi Bộ Công An lần đầu thí điểm việc này ở Hải Phòng từ năm 1993. Sau ba thập kỷ, nhu cầu thậm chí còn cao hơn do thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng. Tuy nhiên, mong muốn của chủ xe không có kênh để giải quyết.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở khao khát cá nhân của chủ phương tiện. Số tiền ngân sách đáng ra có thể thu được không hề nhỏ. Năm 2021, theo Cục Đăng Kiểm, số lượng ôtô 9 chỗ trở xuống đi đăng kiểm lần đầu lên tới trên 300.000 xe. Theo dự thảo đề xuất đấu giá biển số mới của Bộ Công An, giá khởi điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bằng khoảng hai lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng. Như vậy, mỗi biển số tự chọn sẽ có giá ít nhất 40 triệu đồng. Nếu chỉ một phần mười con số xe đăng ký mới tại Cục Đăng Kiểm tham gia đấu giá, ngân sách nhà nước đã thu được ít nhất 1.200 tỷ đồng mỗi năm.
Đây là con số khiêm tốn ước tính. Nếu tỷ lệ lên tới 50% như thí điểm tại Hải Phòng, mức thu sẽ tăng gấp năm lần.
Đấu giá biển số vừa thỏa mãn nhu cầu cá nhân vừa giúp tăng ngân sách nhưng vẫn bị "thắt nút" trong nhiều thập kỷ. Việc Luật Giao thông đường bộ và các văn bản thi hành không xác định biển số xe là tài sản, mà coi đây "là tài liệu của cơ quan nhà nước", là nguyên nhân chính. Không phải là "tài sản" thì không được mua bán và không có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành đấu giá.
Tôi đã thử nghiên cứu cách đăng ký một biển số xe tự chọn ở Anh để hiểu tại sao người em tên Kim của mình có thể chọn được biển số mang tên cô. Quá trình này cho tôi nhiều gợi mở về chính sách.
Văn bản hướng dẫn đăng ký biển số của Anh Quốc rất đơn giản và ngắn gọn. Lời đầu tiên của văn bản khẳng định đăng ký biển số chỉ là cách để nhận diện phương tiện. Đó là công cụ để quản lý của nhà nước. Biển số vẫn là tài sản của Chính phủ nhưng được phân bổ cho từng phương tiện. Chủ xe được quyền chuyển nhượng cho phương tiện khác hoặc giữ lại tuỳ ý.
Các điều luật đăng ký và mua bán biển số của Anh Quốc đều linh hoạt và hai chiều, vừa giữ được tính nghiêm minh của quản lý nhà nước, vừa đảm bảo tính thị trường. Biển số của nước này có bảy ký tự, trong đó hai chữ cái đầu định vị khu vực địa lý nơi xe được đăng ký, hai chữ số tiếp theo là mã ghi nhận thời điểm đăng ký xe. Ba chữ cái cuối cùng được lựa chọn ngẫu nhiên.
Cơ quan cấp phép cho tài xế và phương tiện (DVLA) của Chính phủ Anh có văn bản hướng dẫn dễ dàng để một chủ phương tiện có thể mua biển số cá nhân hoá, chuyển cho phương tiện khác của chính họ hoặc bán cho người khác. Chủ phương tiện có thể mua trực tiếp từ DVLA hoặc mua ở các buổi đấu giá công khai, tổ chức 5 lần mỗi năm. Chính phủ chỉ kiểm soát bốn ký tự đầu tiên của biển số để đảm bảo định vị khu vực địa lý và tuổi thực của xe.
Em tôi mua được biển số có ba chữ cái tên cô tại Anh nhờ những chính sách linh hoạt như vậy. Hệ thống biển số vẫn được coi là tài sản nhà nước để đảm bảo tính hiệu quả của quản lý phương tiện. Nhưng điều này không mâu thuẫn với việc tạo ra một thị trường mua bán và sang nhượng.
"Nút thắt" thực sự của sự chậm trễ trong việc đưa vào cuộc sống đề xuất đấu giá biển số không nằm ở điều luật có coi đây là tài sản cá nhân hay không, mà nằm ở tư duy. Biển số vẫn có thể là tài sản nhà nước như Anh Quốc quy định, nhưng từng cá nhân có quyền mua bán, sang nhượng dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Nhà nước và thị trường không nhất thiết mâu thuẫn với nhau. Nhà nước vẫn quản lý chặt việc nhận dạng phương tiện, nhưng tạo ra thị trường để xác lập một sân chơi biển số bình đẳng và minh bạch cho mọi chủ xe.
Xác lập một tư duy thật sự cởi mở và mang tính thị trường cho vấn đề này sẽ gỡ "nút thắt" của bài toán cấp biển số. Bộ Công An đã đưa ra một đề xuất đúng đắn. Hiện thực hoá đề xuất này nằm ở chỗ tất cả bộ ngành liên quan cùng có góc nhìn chung và coi đây là một ưu tiên quan trọng.
Theo VnExpress