Chị Nhu ngồi nói chuyện với tôi về cái cơ cực của người nhà quê ra phố làm thuê.
Sau bốn tháng xa nhà đầu tắt mặt tối, lúc về thăm con, chị mới phát hoảng lên. Nghe chuyện tôi tò mò hỏi:
- Chị bảo đang đen lại hóa đỏ là cớ làm sao?
- Bác ơi, các cụ nhà ta thường nói vận đang đen mà gặp đỏ là may rồi, đằng này hai đứa con nhà em mới học lớp 7, lớp 9, đầu đỏ hoe hoe là mang họa chứ hay ho gì!
- Sao chị hay lo xa thế, “cái răng, cái tóc là góc con người” cơ mà, các cháu đang tuổi lớn thích làm đẹp cũng là chuyện thường!
- Ấy chết, đây đâu có được như thế. Bố mẹ đi làm xa, các cháu ở nhà với bà, bà không quản được nên chúng hay đàn đúm chơi bời quá mức. Không chỉ nhuộm tóc, chúng nó còn kéo bạn đến nhà ăn nhậu, đàn hát thâu đêm suốt sáng. Năm ngoái cả làng mới có 2 đứa nhuộm tóc, năm nay có tới 7 cháu choai choai đua đòi nhuộm đỏ, nhuộm vàng. Tất cả đều mải chơi, học hành sa sút không phanh.
Xem ra sự chờ đợi lắng nghe của tôi dễ làm chị Nhu muốn chia sẻ, nhưng tôi thấy vấn đề chưa có hồi kết, nên hỏi tiếp:
- Cả 7 cháu đầu tóc xanh đỏ tím vàng như thế, có “quý tử” nào dính tệ nạn gì không?
- Ấy chết, thoát làm sao được. Trong số 7 đứa đầu đỏ, có 2 đứa nghiện ma túy thì một đang đi cai nghiện tập trung, còn một đang vất vưởng cai tại nhà, được liệt vào tốp trộm vặt.
- Sự việc đã đến nước này, theo tôi cái chính là do cha mẹ mải làm ăn, thiếu quan tâm quản lý giáo dục con cái kịp thời nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc như thế. Thời “kinh tế thị trường” sục sôi, các chiêu quảng cáo tiếp thị đang có sức hấp dẫn giới trẻ. Một số người ngộ nhận, muốn biến tóc đen thành đỏ...
- Vâng, giờ hai vợ chồng em đã bàn bạc kỹ và quyết định phải cắt cử một người ở nhà để dạy dỗ con cái.
- Anh chị nghĩ vậy là đúng. Con cái là vốn quý nhất! Chỉ một chút lơ là là đen thành đỏ, đỏ thành đen ngay.
NGUYỄN HUY THỰC