Đau đầu vì "rác tặc"

12/03/2018 11:20

Tối 3.3, Công an huyện Kinh Môn và Công an xã Lạc Long bắt quả tang một xe ô tô đang đổ trộm chất thải tại khu vực bãi ngoài đê thôn Phương Quất, xã Lạc Long (Kinh Môn).

Đây chỉ là một trong số rất ít vụ đổ trộm rác thải, chất thải bị lực lượng chức năng "bắt tận tay day tận trán". Thực tế đã có rất nhiều vụ đổ trộm rác thải, chất thải được thực hiện trót lọt, biến những thân đê, vệ đường tỉnh, đường huyện thành những bãi rác tự phát. Ngoài những đơn vị thuê xe chở rác đổ trộm với quy mô lớn, còn không ít người dân có tâm lý chỉ biết sạch nhà mình không cần biết cộng đồng thế nào đã "góp gió thành bão" khiến những bãi rác ngày càng phình to. 

Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do ở một số địa phương chưa có lực lượng thu gom rác thải. Có nơi đã có lực lượng thu gom nhưng lại chưa có chỗ xử lý hoặc bãi chôn lấp rác, nhà máy xử lý rác đang trong tình trạng quá tải... Ngay cả nơi đã có đủ những điều kiện trên như ở TP Hải Dương thì người dân một số khu dân cư vẫn có lúc phải sống chung với rác bởi một số người không đổ rác đúng nơi, đúng giờ quy định.

Từ khi Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương trang bị các xe ô tô vận chuyển rác, việc thu gom, xử lý rác thải ở thành phố trở nên chuyên nghiệp hơn. Mỗi ngày những chiếc xe vận chuyển rác đều truyền đi thông điệp rất rõ ràng yêu cầu người dân đổ rác đúng giờ quy định, nên buộc chặt, đổ nước khỏi các túi rác trước khi mang ra điểm tập kết... Trước giờ xe vận chuyển rác tới, một công nhân môi trường sẽ đi quét dọn, thu gom gọn các túi rác vào một vài chỗ để tiện cho việc chuyển rác lên xe. Ấy thế nhưng một số hộ bỏ rác muộn vẫn vô tư vứt ngay trước cửa nhà mình, khi xe đến công nhân môi trường lại mất thêm công. Đặc biệt là tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng hiện đã trở thành một vấn nạn ở các đô thị. 

Một vấn đề đáng nói nữa là việc phân loại xử lý rác hiện vẫn chưa được quan tâm. Thói quen của đại bộ phận người dân là tất cả các loại rác bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung vào một thùng mà không cần biết cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người. Tại các đô thị, ở những nơi công cộng như công viên, vườn hoa, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp… luôn có những thùng rác cố định hai ngăn với một ngăn chứa rác vô cơ, một ngăn chứa rác hữu cơ và phần hướng dẫn phân loại rác được minh họa bằng hình ảnh sinh động bên ngoài thùng. Nhưng chẳng mấy ai thèm để ý đến những hướng dẫn này. Mặc dù hiện nay đa số người dân đã biết tác hại của túi nilon hay những cục pin... nhưng hằng ngày các loại rác này vẫn được thải ra trong những túi rác sinh hoạt. 

Những hành vi xả rác bừa bãi, đổ trộm rác rải, chất thải nguy hại... thường được quy chung vào một nhóm là thiếu ý thức, chưa nhận thức ra. Nhưng sao cùng những con người ấy khi tham gia những chuyến du lịch hay đi công tác tới những đất nước có quy định nghiêm ngặt, nơi mà các hành vi như xả rác bừa bãi có thể bị phạt rất nặng thì lập tức họ lại chấp hành nghiêm. Đó chẳng qua là ngoài vấn đề về ý thức còn do pháp luật ở ta chưa nghiêm và những hành vi kém văn minh, vô văn hóa còn chưa bị lên án mạnh mẽ.  

Để đỡ đau đầu vì "rác tặc", lực lượng cảnh sát môi trường cần quyết liệt hơn, xử lý thật nghiêm những hành vi đổ trộm chất thải, rác thải với quy mô lớn. Các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và không nên ngần ngại, né tránh việc lên án những hành vi thiếu ý thức. 

MAI LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đau đầu vì "rác tặc"