Đau dạ dày (đau bao tử) là một trong số những bệnh lý khá phổ biến và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Vậy đau dạ dày là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh ra sao?
Đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày thực chất là tình trạng dạ dày bị tổn thương do bị viêm loét. Khi dạ dày bị tổn thương và xuất hiện những cơn đau, người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn… Tất cả những điều này sẽ gây cho người bệnh cảm giác vô cùng đau đớn và khó chịu. Từ đó sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và đời sống hàng ngày.
Tình trạng đau dạ dày thường xảy ra chủ yếu tại 3 vị trí:
Đau thượng vị: Vùng thượng vị nằm ở dưới xương ức và phía trên của rốn. Người bị đau dạ dày sẽ xuất hiện cảm giác đau nhức với các mức độ và tần suất khác nhau. Các cơn đau khi thì âm ỉ kéo dài, khi thì trở nên vô cùng dữ dội. Không chỉ vậy, cơn đau còn bị lan sang phía sau vùng lưng và ngực.
Đau vùng bụng giữa: Vùng bụng giữa thực chất là khu vực xung quanh rốn. Đây là vị trí chứa rất nhiều cơ quan nội tạng. Chính vì vậy, rất khó để có thể phát hiện được những bệnh lý xảy ra tại đây. Những cơn đau dạ dày ở vùng bụng giữa thường có tính chất âm ỉ hoặc quặn thắt. Đặc biệt, chúng còn có xu hướng lan sang vùng bụng bên phải. Bên cạnh cảm giác đau đớn, người bệnh còn cảm thấy khó tiêu, đầy bụng, ợ chua, buồn nôn...
Đau vùng bụng ở phía bên trái: Lúc này, người bệnh đau dạ dày sẽ xuất hiện triệu chứng đau mỗi khi đói, kèm theo đó là tình trạng nóng bụng, tức bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Dấu hiệu đau dạ dày
Những dấu hiệu của đau dạ dày thường được biểu hiện khá rõ rệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, triệu chứng của bệnh lại không thực sự rõ ràng mà chỉ xuất hiện các cơn đau âm ỉ vùng bụng. Tuy vậy, khi bị đau dạ dày, người bệnh sẽ có những triệu chứng điển hình như sau:
Đau tức vùng thượng vị: Đây chính là triệu chứng đau dạ dày dễ nhận biết nhất. Bệnh nhân xuất hiện những cơn đau rát khó chịu tại vùng thượng vị, đi kèm theo đó là cảm giác tức ngực vô cùng khó chịu. Trong một số trường hợp, người bệnh còn bị đau tại vùng bụng bên trái hoặc ở giữa bụng.
Khả năng ăn uống trở nên kém hơn: Đa phần người bị đau dạ dày thường bị chán ăn. Họ cảm thấy thức ăn không ngon và không có nhu cầu muốn ăn nhiều. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thức ăn khi vào trong dạ dày được tiêu hóa khá chậm. Chính vì vậy, người bệnh lúc nào cũng cảm thấy đầy bụng, chướng bụng và ấm ách. Từ đó sẽ gây ra tình trạng chán ăn. Đặc biệt, sau mỗi bữa ăn, người bị đau dạ dày còn xuất hiện cảm giác bỏng rát ở vùng thượng vị. Tình trạng này còn lan sang vùng xương ức và gây cho người bệnh cảm giác buồn nôn.
Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua: Đây là dấu hiệu rất điển hình thường xảy ra ở người bị đau dạ dày. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động tiêu hóa thức ăn ở dạ dày bị rối loạn. Sự rối loạn này khiến cho thức ăn trở nên khó tiêu hóa và bị lên men. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng ợ chua, ợ hơi, đau rát vùng thượng vị, cơ thể mệt mỏi, khó chịu.
Buồn nôn, nôn: Tình trạng này không chỉ là dấu hiệu của đau dạ dày mà còn là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày. Trong trường hợp người bệnh bị nôn nhiều, cơ thể sẽ bị mất nước và mất khả năng cân bằng điện giải. Từ đó sẽ đến đến nguy cơ bị phù nề, thiếu máu và sút cân rõ rệt.
Chảy máu tiêu hóa: Những triệu chứng đau dạ dày như chảy máu tiêu hóa đó là người bệnh bị nôn ra máu đen hoặc máu tươi. Đặc biệt, trong phân còn có lẫn màu đen hoặc màu đỏ tươi của máu. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị choáng váng, chóng mặt, hoa mắt và tụt huyết áp. Nếu tình trạng này không được khắc phục kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân đau dạ dày
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau dạ dày. Trong đó phải kể đến như:
Hoạt động của một số loại vi sinh vật gây hại: Một trong số những tác nhân chính gây ra căn bệnh đau dạ dày chính là do hoạt động của nhiều loại nấm, vi khuẩn gây hại. Trong đó phổ biến nhất là vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP không chỉ gây ra tình trạng đau dạ dày mà còn là yếu tố thúc đẩy tình trạng xuất huyết, viêm loét dạ dày phát triển nặng hơn. Việc ăn uống nhiều loại thức ăn độc hại, sử dụng nhiều bia rượu sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Thói quen ăn uống không khoa học: Chế độ ăn uống bất ổn và thiếu khoa học chính là yếu tố hàng đầu gây ra bệnh lý đau dạ dày. Nhiều người thường có thói quen ăn uống không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa, ăn quá khuya, ăn quá no hoặc hay để bụng đói… Chính điều này sẽ khiến cho chức năng của dạ dày bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều thực phẩm cay nóng, chiên rán qua quá nhiều dầu cũng là yếu tố thúc đẩy căn bệnh đau dạ dày phát triển. Ngoài ra, thói quen vừa ăn, vừa đọc sách, chơi game… cũng là tác nhân khiến cho dạ dày bị đau.
Do yếu tố tâm lý: Những người thường xuyên phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng, stress thường có khả năng cao bị đau dạ dày. Nguyên nhân là do lúc này mọi áp lực sẽ khiến cho dạ dày tiết dịch và co bóp mạnh mẽ hơn. Từ đó, lớp niêm mạc sẽ bị bào mòn và gây ra các cơn đau với mức độ và tần suất khác nhau.
Do ảnh hưởng bởi một số bệnh lý: Những bệnh lý thường gây tác động xấu đến khả năng hoạt động của dạ dày đó là viêm tuyến tụy, viêm ruột, túi mật, hội chứng ruột kích thích… Bên cạnh đó, đau dạ dày cũng có thể là hệ quả do các bệnh lý tuyến giáp gây ra.
Do lạm dụng thuốc: Việc lạm dụng một số loại thuốc kháng sinh và kháng viêm không steroid sẽ gây ra sự ức chế đối với hệ thống vi sinh vật tồn tại ở trong dạ dày. Lúc này, người bệnh sẽ gặp phải những vấn đề như xuất huyết dạ dày, viêm loét dạ dày, đau dạ dày…
Biến chứng đau dạ dày
Nhiều người bệnh khi bị đau dạ dày thường rất chủ quan và không hề biết rằng bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe. Sau đây là một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân có thể gặp phải nếu như không khắc phục đau dạ dày kịp thời.
Xuất huyết dạ dày: Xuất huyết dạ dày là hệ quả do tình trạng xung huyết dạ dày và một số căn bệnh khác gây nên. Khi bị đau dạ dày kèm theo xuất huyết, việc cầm máu sẽ trở nên rất khó khăn. Nếu bệnh ở mức độ nặng, dạ dày chảy nhiều máu, bệnh nhân sẽ bị mất máu cấp tính. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, chân tay lạnh, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, da nhợt nhạt, huyết áp tụt, mạch đập nhanh, thở dốc. Tình trạng đau dạ dày kèm theo xuất huyết rất nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng. Chính vì vậy, ngay từ khi phát hiện ra các triệu chứng, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế kịp thời.
Thủng dạ dày: Bên cạnh xuất huyết dạ dày thì thủng dạ dày cũng là một biến chứng nguy hiểm do căn bệnh đau dạ dày gây nên. Lúc này, lớp viêm loét ở dạ dày sẽ càng trở nên sâu hơn và khiến cho niêm mạc dạ dày dần trở nên mỏng đi. Nếu người bệnh không chủ động xử lý, các vết loét sẽ ngày càng lan rộng và tạo thành vết thủng ở trên bề mặt của dạ dày. Thủng dạ dày nếu không được xử lý kịp thời sẽ có thể khiến cho người bệnh bị tử vong.
Ung thư dạ dày: Nếu dạ dày đã xuất hiện nhiều vết loét mà không được khắc phục thì nguy cơ dạ dày bị ung thư sẽ rất cao. Trên thực tế, các dấu hiệu của ung thư dạ dày và đau dạ dày thường có sự tương đồng với các triệu chứng điển hình như mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, sụt cân nhanh… Lúc này, việc xử lý sẽ trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém.
Theo Sức khỏe và Đời sống