Bộ Công Thương dự kiến nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay sẽ lập đỉnh mới ở mức 725-730 tỷ USD và tiếp tục cân bằng cán cân thương mại, có xuất siêu.
Xe chở container ra vào Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Kể từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã tăng 7 lần so với cách đây 15 năm và ngày 15.12 đã chạm mốc 700 tỷ USD.
Trước đà tăng trưởng này, Bộ Công Thương dự kiến nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay sẽ lập đỉnh mới ở mức 725-730 tỷ USD và tiếp tục cân bằng cán cân thương mại, có xuất siêu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1445-QĐ/TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được nêu tại Quyết định số 493-QĐ/TTg ngày 19.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng chuỗi giá trị toàn cầu.
Động lực thúc đẩy
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), có thể nói kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng bởi Việt Nam đã sớm ổn định và phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 từ quý 4/2021.
Việc này đã thúc đẩy phục hồi sản xuất giao dịch. Đây là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho các hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất.
Hơn nữa, thời điểm các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và phát huy hiệu quả với các thị trường lớn cũng đã tạo ra một xung lực rất tốt, ngay cả với thị trường Việt Nam chưa có FTA.
Đặc biệt, việc nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hỗ trợ tối đa cho các hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại... là những hoạt động rất quan trọng để thúc đẩy kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Cùng đó, sự tăng trưởng đồng đều ở cả cái khối hàng công nghiệp cũng như khối hàng nông sản cũng thể hiện rất rõ cái nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp để tạo ra nguồn hàng và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác nhau.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, nếu năm 2006 nền kinh tế Việt Nam được xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa.
Năm 2021, WTO ghi nhận thứ hạng của Việt Nam tăng ấn tượng về xuất khẩu hàng hóa là thứ 23 và nhập khẩu là thứ 20 trên thế giới.
Đáng lưu ý, từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục với con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, thâm hụt lớn nhất được ghi nhận lên đến 18,02 tỷ USD trong năm 2008.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu).
Sản xuất hàng may mặc chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Năm 2020, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt kỷ lục với con số thặng dư hơn 19 tỷ USD. Năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, xuất siêu giảm nhưng vẫn đạt 4 tỷ USD.
Dự kiến, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 725-730 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2021 và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Việc tiếp tục duy trì xuất siêu trong năm nay đồng nghĩa với dấu ấn Việt Nam xuất siêu 7 năm liên tiếp.
Đáng lưu ý, Việt Nam có quan hệ thương mại rộng khắp với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tập trung vào các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN...
Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Các thị trường lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, được hỗ trợ tích cực bởi hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó đã tạo thuận lợi thương mại, ưu đãi thuế quan.
Song song với con số xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư (xuất siêu) liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu).
Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đạt đỉnh điểm 18,02 tỷ USD ghi nhận trong năm 2008.
Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đổi chiều, chuyển sang thặng dư liên tục, (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD).
Trong năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đạt kỷ lục với con số thặng dư lên tới 19,94 tỷ USD.
Kết thúc năm 2021, thặng dư thương mại giảm mạnh, chỉ còn 3,32 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2022, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã tăng cao trở lại và đạt 10,68 tỷ USD.
Linh hoạt giải pháp
Bộ Công Thương dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu sẽ còn nhiều khó khăn do nhu cầu trên thế giới sụt giảm, các doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống, bám sát thông tin đối tác để điều chỉnh linh hoạt chiến lược, kế hoạch sản xuất.
Mặc dù đạt con số ấn tượng, nhưng trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ 2 thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó do thị trường bị thu hẹp.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Hơn nữa, thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Hoà Kỳ, Nhật Bản, Đông Á... do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó, tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách mới của từng thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng xanh và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội của Việt Nam tiếp tục khởi sắc, đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó, có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước.
Bối cảnh trên đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, đặc biệt là các quy định, chính sách liên quan đến kinh tế “xanh,” thương mại “xanh.”
Điều này nhằm giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp, thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo TTXVN