Dấu ấn công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII: Bài 2: Đột phá trong công tác cán bộ

27/01/2021 15:08

Trong nhiệm kỳ XII của Đảng, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng.

>>> Bài 1: Xây dựng Đảng về đạo đức - điểm sáng nổi bật



Ngày 12.12.2020, TP Hải Dương khai mạc kỳ thi tuyển lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đây là kỳ tuyển chọn cán bộ quản lý, lãnh đạo theo hình thức thi cạnh tranh đầu tiên của tỉnh

Hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ

Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19.5.2018) và kết luận về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Nghị quyết xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong xây dựng đội ngũ cán bộ gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ; một số nội dung cơ bản về công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, Trung ương đã xác định hai trọng tâm và năm đột phá. Hai trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Năm đột phá là: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền. Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện. Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài. Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. 

Trọng dụng người có đức, có tài 

Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” được tổ chức thực hiện nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác; đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng...

Trên cơ sở ý kiến của Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương về việc triển khai thực hiện Ðề án, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Đề án đối với các cơ quan Trung ương và địa phương về đối tượng; hồ sơ tổ chức thi tuyển lãnh đạo quản lý; nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục thi tuyển; xác định người trúng tuyển qua thi tuyển... 

Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Trương Hải Long cho biết theo chỉ đạo của Ban Bí thư, 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Sau gần 3 năm thực hiện, 12/14 cơ quan Trung ương đã tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, 42 ứng viên đã trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên, cấp phòng có 10 ứng viên). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 17/22 địa phương đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên, cấp phòng có 335 ứng viên).

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đề án này không thay nhiệm vụ của công tác bổ nhiệm cán bộ, mà thay vì trước đây chọn, cử người, nay thi để tuyển người. Nhiều người có tiêu chuẩn điều kiện giống nhau, qua tổ chức kỳ thi để chọn được người tốt nhất. Việc thi tuyển cũng không phải là thay cho quy trình cán bộ mà công tác cán bộ vẫn phải làm đúng quy trình của Đảng. Đây chỉ là đổi mới phương thức tuyển chọn, là khâu đầu. Làm được việc này thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ và chọn được đúng người. 

Tạo “sân chơi bình đẳng” 

Nhìn lại 3 năm thực hiện đề án, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá đổi mới cách thức lựa chọn lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển góp phần quan trọng vào việc tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, đổi mới công tác cán bộ, tạo “sân chơi bình đẳng”, môi trường thuận lợi để mọi cán bộ thể hiện đạo đức, tài năng và có điều kiện thuận lợi cống hiến trí tuệ, sức lực cho đất nước, dân tộc.

Việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng là bước đột phá quan trọng trong công tác cán bộ. Thực hiện tốt công tác thi tuyển sẽ tạo phương thức, cách làm mới trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, bảo đảm khách quan, công tâm, minh bạch, thực chất, đấu tranh với tính hình thức hay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, loại bỏ nạn “chạy chức, chạy quyền”, tình trạng thao túng, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác cán bộ. 

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ XII: Bài 2: Đột phá trong công tác cán bộ