Xã Yết Kiêu “giữ lửa” bơi thuyền chải truyền thống

25/06/2019 22:03

Xã Yết Kiêu (Gia Lộc) là một trong số ít địa phương ở tỉnh ta còn gìn giữ, phát huy được môn bơi thuyền chải (BTC) truyền thống.


Đội bơi thuyền chải của xã Yết Kiêu tham dự Giải đua thuyền chải tại lễ hội đền Quát

Từng mai một

Cụ Bùi Công Tý (87 tuổi) ở thôn Hạ Bì cho biết: "Hồi bé, tôi đã được ông nội đưa đi xem BTC, không khí rất đông vui. Ngay tập luyện thôi mọi người đã ra xem đông rồi, có người đang đi cày cũng tạm dừng việc để ra cổ vũ. Ngày xưa, chuẩn bị đến ngày hội, các đội thường tập luyện trước hằng tuần, người dân đứng hai bên bờ hò reo rất náo nhiệt. Các đội đua thuộc vùng sông nước từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hải Dương đều về dự hội đua thuyền ở đây".

Cụ Phạm Hữu Lương (83 tuổi) ở thôn Hạ Bì cho biết thêm khi có hội thi, nhà nào có thuyền sẽ cho đội đua của thôn mượn. Thuyền ngày ấy dài và thấp mạn, mỗi đội hơn 20 người. Thuyền được trang trí đuôi tôm, đầu hạc hoặc ngựa. Trước khi thi, tổ trọng tài cho các đội bơi gió (bơi chải trên không) để biểu diễn nhìn rất đẹp mắt. Người phất cờ hô theo nhịp “Anh khố đỏ cố lên, anh khố vàng cố lên, bơi cho đều tay…”. Người dân hai bên bờ sông vỗ tay theo nhịp rất sôi nổi. Người nào được gọi cho mượn thuyền và người thi đấu cảm thấy vinh dự, tự hào.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động này không được tổ chức thường xuyên và bị mai một. Đến khoảng năm 1985, giải đua thuyền chải mới được khôi phục và tổ chức thường xuyên đến bây giờ. Ngày nay, đua thuyền chải đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong lễ hội của đền Quát, thu hút đông đảo con em quê hương, người dân và du khách thập phương về dự.

Xã Yết Kiêu hiện có 4 đội BTC nghiệp dư gồm: thôn Hoàng Kim có 1 đội nam, Hạ Bì có 2 đội (1 nam và 1 nữ), Khuông Phụ có 1 đội nam. Mỗi đội duy trì 16 người. Đội BTC nữ của thôn Hạ Bì chủ yếu khoảng 50 tuổi, có người gần 70 tuổi nhưng vẫn gắn bó với môn thể thao này.

Giành nhiều thành tích cao

Chị Nguyễn Thị Oanh, cán bộ văn hóa xã Yết Kiêu cho biết những năm gần đây, xã đã trích nguồn kinh phí để hỗ trợ các đội tập luyện và đi tham dự các giải đấu. Năm 2019, xã trích kinh phí gần 20 triệu đồng cho các đội. Mỗi khi đội đi thi đấu, xã vận động toàn thể cán bộ từ xã đến thôn ít nhất mỗi người ủng hộ 1 ngày lương. "Bản thân tôi, mỗi khi có hội thi đều có mặt từ sớm để động viên cổ vũ tinh thần tập luyện của các đội", chị Oanh cho biết.


Cổ động viên xã Yết Kiêu đi cổ vũ đội bơi thuyền chải của xã tại TP Hải Dương

Năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tặng xã Yết Kiêu 3 thuyền đua, mỗi thuyền chở được 22 người và 40 áo phao để động viên tinh thần tập luyện, thi đấu. Huyện cũng hỗ trợ kinh phí tập luyện, mỗi giải nhất tỉnh thưởng bao nhiêu thì huyện cũng thưởng số tiền như vậy.

Không chỉ tỉnh, huyện, xã quan tâm mà nhờ công tác tổ chức, tuyên truyền tốt nên những năm gần đây nhiều tổ chức, cá nhân và con em xa quê cũng tích cực ủng hộ. Năm 2018, thôn Hoàng Kim vận động xã hội hóa được hơn 80 triệu đồng. Có người bỏ tiền mua tặng trang phục thi đấu cho các đội đua.

Năm 2018, Trường Mầm non Yết Kiêu thành lập 1 đội BTC gồm vận động viên là các cô giáo của trường, đội không thi đấu mà chỉ giao lưu biểu diễn trong những ngày hội để góp phần “giữ lửa” môn thể thao truyền thống của quê hương và cổ vũ tinh thần cho các đội BTC của xã.

Chỉ là những vận động viên nghiệp dư nhưng đội BTC của Yết Kiêu đã giành nhiều thành tích cao tại các giải đấu. Từ năm 1985 - 2005, địa phương đã có 484 lượt vận động viên tham gia các giải đấu, đoạt 162 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 64 huy chương đồng. Năm 2018, đội đua thuyền rồng của xã đạt thành tích đáng nể khi đứng thứ 5 trong 15 đội tham dự Giải đua thuyền rồng quốc tế mở rộng tại TP Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Hiện nay, việc gìn giữ môn BTC của xã gặp một số khó khăn. Việc tập luyện chưa được thường xuyên vì các đội tập hợp để tập luyện chỉ khoảng 1 tuần, có đội thành lập xong và tập luyện trong 3 ngày trước khi giải đấu diễn ra, thời gian tập từ 4 - 5 giờ sáng sau đó lại về đi làm việc khác để mưu sinh. Kinh phí dành cho môn BTC còn ít.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song địa phương xác định tiếp tục duy trì các đội BTC hiện có, đào tạo các đội ngũ vận động viên trẻ kế cận và phát triển thêm các đội mới; tổ chức các giải đua thuyền chải mở rộng tại lễ hội đền Quát...

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã Yết Kiêu “giữ lửa” bơi thuyền chải truyền thống