Báo điện tử Hải Dương trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Phạm Văn Thọ, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đầu tiên sau tái lập tại Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Hải Dương.
|
Đồng chí Phạm Văn Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đầu tiên sau tái lập phát biểu tại Lễ kỷ niệm |
Thưa đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng chí Trần Quốc Vượng và tất cả các đồng chí về dự buổi lễ!Hôm nay, tôi rất vui mừng được mời về dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Hải Dương, cũng là thời kỳ tái lập các huyện, thị trong tỉnh.
Lời đầu tiên, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đồng chí đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí đại diện cho tỉnh Hải Dương và các tỉnh bạn; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng cùng toàn thể nhân dân lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thưa toàn thể các đồng chí và các vị đại biểu!Tôi có niềm vui và vinh dự được công tác thời gian dài trước và một thời gian ngắn sau tái lập tỉnh Hải Dương và Hưng Yên - nơi đây cũng là quê hương yêu dấu: cùng chung một dải đất, dòng sông, nguồn nước, cùng có lịch sử lâu đời và vẻ vang trong đấu tranh, xây dựng và phát triển. Từ ngày xưa đã là vùng đất văn hiến, khoa bảng, đóng góp nhân tài cho đất nước.
Ngày nay, thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hai tỉnh lại viết tiếp những trang sử mới: phong trào mỗi người làm việc bằng hai, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, hạt gạo chia ba… cho giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hải Hưng là tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Huân chương Sao Vàng. Hải Hưng là một trong những tỉnh luôn có đóng góp cho ngân sách Trung ương (mặc dù lúc đó ngân sách còn nhỏ và hạn hẹp so với bây giờ). Hòa bình, thống nhất lại tiếp tục ra quân cho công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước… Qua các thời kỳ Hải Dương và Hưng Yên trên nhiều lĩnh vực cả kinh tế - xã hội - giáo dục… đều có những bước phát triển, được Trung ương đánh giá cao, có thành tích nổi trội được xếp đứng trong tốp đầu của cả nước.
Gần đây, khi mới tái lập, cũng như cả nước, Hải Dương và Hưng Yên còn đứng ở vạch xuất phát thấp. Sau 20 năm đã tiến bộ vượt bậc, có mặt tăng gấp 5 lần, 10 lần thậm chí hàng trăm lần, tất nhiên so sánh bằng con số có mặt còn khập khiễng.
Tổng kết lại trên các mặt chính yếu đều có sự phát triển nhanh, khá toàn diện, sẽ tạo đà cho những bước phát triển của Hải Dương và Hưng Yên. Thật đáng trân trọng trước những thành tựu đó. Từ trước tới nay đã vậy, từ nay về sau càng vậy, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đoàn kết, thi đua, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau để cùng thắng, cùng phát triển đi lên.
Tôi đã được mời về dự Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Hưng Yên và hôm nay là tỉnh Hải Dương. Tôi có nghe, có đọc và nghiên cứu những báo cáo tổng kết kể cả bài phát biểu của đồng chí Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh, thấy vui mừng trước những thành tựu và cơ bản đồng tình nhất trí trước những mục tiêu, kế hoạch, dự kiến, biện pháp và nguồn lực cân đối cho những bước phát triển tiếp theo. Tại diễn đàn này, tôi xin được phát biểu thêm một số ý kiến sau:
Thứ nhất: Trước mắt, thách thức là không nhỏ cho bước phát triển tới. Thực tế chúng ta bước qua 3 giai đoạn: từ tập trung bao cấp để có nguồn lực cho chiến tranh và xây dựng cho đến thời kỳ chuyển dần sang cơ chế thị trường mà nhiều là cởi trói, tháo gỡ ràng buộc và bây giờ là hội nhập. Ở sân chơi chung cùng một thế giới phẳng, một ASEAN phẳng theo những quy luật mới không thể chủ quan, cảm tính, duy ý chí được. Thời kỳ phát triển bề rộng, khai thác tài nguyên, môi trường, lao động giá rẻ, năng suất thấp, thị trường còn rộng và dễ tính đã cạn dần. 5 năm tới đã khó, 5 năm tiếp theo còn khó hơn và 20 năm tiếp theo càng khó. Đòi hỏi phải có nhận thức mới, động lực mới, kỹ năng mới, không thể bằng lòng với hiện có được.
Thứ hai: Tôi đã có gần 50 năm chiến đấu và công tác. Khi về làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, cựu chiến binh nói tôi khoác ba lô lần thứ 2 về đây, thực tế dạy tôi bài học: phải biết tìm thấy, dựa vào, phát huy sức mạnh của nhân dân, làm cho nhân dân tin và làm theo mình. Bác Hồ đã dạy với nhiều luận điểm bất hủ, không còn bàn cãi, cái khó ở đây là làm sao và làm như thế nào để dân tin và làm theo, mất lòng tin là mất tất cả.
Thứ ba: Có chủ trương, đường lối đúng rồi, cái quyết định là con người, là cán bộ, là đảng viên. Ở đâu cũng vậy, ở lĩnh vực nào cũng vậy đòi hỏi có cán bộ tốt: có kiến thức, có nhận thức, có tâm huyết, có sản phẩm tốt, đóng góp thiết thực, cụ thể cho nhân dân, cho quê hương, đất nước. Chọn lựa cán bộ phải từ đó, đánh giá cán bộ phải từ đó, phải căn cứ vào sản phẩm không đánh giá chỉ bằng lời nói, càng không phải bằng chạy chức, chạy quyền và nhiều thứ chạy khác. Phải có cơ chế giám sát quyền lực, không để nhân tài, vật lực vào tay cá nhân, nhóm lợi ích. Ở đâu cũng phải có cơ chế giám sát, không có giám sát tức là không có quản lý, buông lỏng lãnh đạo. Phải để cho dân biết giám sát và dùng quyền giám sát, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là vậy. Nhiều bài học ở quân đội, ở Hải Hưng, ở Thái Bình… vẫn còn in đậm trong tôi.
Cuối cùng: Tôi vẫn hằng mong muốn và đặt niềm tin vào sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước, vào sự thành công của công cuộc đổi mới. Truyền thống đã vậy, gánh nặng luôn đặt lên vai những thế hệ tiếp nối.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe tới tất cả các đồng chí, các vị đại biểu!
---------------
Tiều đề do Báo điện tử Hải Dương đặt