Nào ai cắt nghĩa vì sao gọi là “đào phai”, khi cánh đào phớt hồng như má người thiếu nữ lúc xao xuyến trong lòng.
Cánh đào phớt hồng như má người thiếu nữ lúc xao xuyến trong lòng.
Khi tại các làng hoa ở ven sông Hồng vùng đồng bằng Bắc Bộ - những nụ đào còn bé xíu, thưa thớt trên cành nâu sẫm trong giá rét, thì đào phai đã nở nơi nơi trên xứ Lạng, bên các nẻo đường đèo dốc cho mùa xuân đến sớm ở vùng biên cương.
Đã bao năm quen thuộc sắc thắm đào bích, ngược đường lên xứ Lạng những ngày Tết Nguyên đán sắp đến, tôi hết sức ngỡ ngàng và thú vị trước vẻ đẹp của đào phai trên núi rừng trong nền trời xanh nhạt, núi xanh lam. Sắc hồng của đào phai làm cho bức tranh thiên nhiên thêm hoàn mỹ, sống động.
Nào ai cắt nghĩa vì sao gọi là đào phai, khi cánh đào phớt hồng như má người thiếu nữ lúc xao xuyến trong lòng. Tôi chợt nhớ lời anh bạn kể, ngày xưa cha anh lên xứ Lạng, say “bầu rượu, nắm nem” của cô gái dịu dàng, hồn nhiên với đôi mắt long lanh như sao sớm. Cô gái ấy chính là mẹ anh.
Tôi hình dung, thuở ấy mẹ anh xinh tươi trong bộ váy áo chàm cùng cha anh đi hội xuân, hát sli, hát lượn trong rừng đào phai. Giờ đây biết bao cây đào mất hút vì nhường đất vùng ven thành phố cho những tòa nhà mới mọc lên, cho những nhà xưởng trong quá trình công nghiệp hóa, mở rộng đô thị. Nhưng bạn chớ vội buồn, vì ở những nơi không xa thành phố là bao, khi đến Na Sầm, lên Cao Lộc, xuống Hữu Lũng… đào phai vẫn sáng bừng trước cửa những nếp nhà đơn sơ, lá chen hoa rực rỡ tươi non chào đón nàng xuân phơi phới trở về.
Trên nẻo đường xứ Lạng, ngắm đào phai, uống rượu Mẫu Sơn, nghe đàn tính, hát then tôi mới thấy sự hồn nhiên, nếp sống hòa nhập trong núi rừng với chim muông, cây cỏ, yêu thương nhau hết lòng, vươn tới vẻ đẹp hiền hòa, giản dị trong đời sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc xứ Lạng. Mới hay, mùa xuân ai lên miền đất này cũng có thể say người, say cảnh mà “mải vui quên hết lời em dặn dò”!
Thuở Ngô Thì Sĩ lên làm quan, không rõ xứ Lạng đã có “bầu rượu, nắm nem” chưa, nhưng chắc hẳn là ông say phong cảnh nơi đây nên chẳng màng công danh phú quý, cáo quan theo đạo Lão “tu tiên”, vui thú non xanh nước biếc, vịnh “tám cảnh đẹp” Tam Thanh, Nhị Thanh, Song Tiên... những nơi đã làm cho thơ ông thăng hoa. Hôm nay đứng bên cành đào phai phơi phới bên cửa động, ngắm chân dung ông trên vách đá do ông tự tạc, xem bàn cờ tiên xưa ông vẫn chơi, mới thấm thía cốt cách thanh tao của thi sĩ, nho sĩ, khi quan trường đã nhũng loạn. Mấy ai biết ông đã trải qua biết bao ngày đêm thưởng rượu, ngắm đào phai, đau nỗi đau nhân thế, khuyến khích dân khẩn hoang, xin giảm tô thuế cho dân…
Tạm biệt xứ Lạng về nơi phố thị ven sông Hồng. Ngắm đào phai ở dưới xuôi cũng đẹp đấy, nhưng dường như vẫn thấy thiếu cái “hồn”. Tuy rằng các nhà trồng đào đã công phu tạo thế cho những cây đào phai cao gần hai mét, dáng rồng uốn khúc rồi mang đến chợ bán, bày hàng dãy dài, ai thích thì bê cả bầu đem về đặt vào chậu.
Đào phai “xuống núi”, chung sống với người vùng đồng bằng đã lâu lắm rồi, nhiều người đã quen thuộc cây đào phai xum xuê hoa lá. Đào phai cũng đã “hóa rồng”. Nhưng cây ấy và hoa ấy chỉ thực sự đẹp tươi khi nó nảy nở, sinh xôi trên núi rừng quen thuộc xứ Lạng.
QUỲNH LINH