Mối quan tâm của Mỹ tới Greenland đó là khống chế được Bắc cực - nơi rất giàu tài nguyên và khống chế cả về địa chính trị tại khu vực này.
Đảo Greenland chủ yếu là núi đá và núi băng, rất giàu tài nguyên thiên nhiên
Sự kiện gây chấn động nền ngoại giao thế giới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch theo lời mời của nữ hoàng nước này với lý do đơn giản là phía Đan Mạch từ chối bán hòn đảo Greenland cho Mỹ theo yêu cầu của Tổng thống Trump trước chuyến thăm. Tại sao Mỹ lại muốn mua hòn đảo thuộc diện lớn nhất thế giới quanh năm phủ trắng băng tuyết này?
Hòn đảo gây khủng hoảng ngoại giao
Đảo Greenland nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, thuộc Đan Mạch, là đảo lớn thứ 12 thế giới có diện tích bằng 1/4 nước Mỹ, hơn 2 triệu km2 và có 2 tháng ban ngày liên tục mỗi năm. Ở đây chủ yếu là núi đá và núi băng dày 4 km, rất giàu tài nguyên thiên nhiên, ước tính khoảng 100 triệu tấn chưa kể đến dầu thô và khí đốt, trong đó có cả đất hiếm - một nguyên liệu không thể thiếu cho nền công nghiệp và công nghệ hiện đại. Đảo có khoảng 58.000 người, trong đó 88% là người Inuit bản đại (người Eskimo). Hiện Đan Mạch hỗ trợ tài chính chủ yếu cho hòn đảo này (khoảng 700 triệu USD/năm). Đảo Greenland tự giải quyết các vấn đề của địa phương, chính phủ Đan Mạch chịu trách nhiệm về chính sách quốc phòng và đối ngoại. Theo báo chí Mỹ vào năm 1867, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng đặt vấn đề với Đan Mạch để mua Greenland và Iceland nhưng không thành công. Đến năm 1946, Tổng thống Mỹ Harry Truman tiếp tục thuyết phục Đan Mạch để mua Greenland với giá 100 USD (tương đương 1,5 tỷ USD hiện nay) nhưng cũng không thành công. Ngày nay đến lượt Tổng thống Donald Trump muốn mua đảo Greenland phải chăng để ghi tên mình vào lịch sử giống như Tổng thống Dwight Eisenhower công nhận Alaska là bang thứ 49 của nước Mỹ (Mỹ mua bán đảo Alaska của Nga từ năm 1867). Tổng thống Mỹ đưa ra ý tưởng mua đảo Greenland ngày 18.8 sau khi ca ngợi Đan Mạch là một “đất nước đặc biệt” nhưng khi được phóng viên hỏi liệu ông có định đổi một phần lãnh thổ nào đó của Mỹ để lấy đảo Greenland hay không? Ông Trump đáp “có nhiều việc có thể làm, về bản chất đó là một thỏa thuận bất động sản rất lớn”. Ngày hôm sau 19.8, ông Trump đăng hình ảnh một ngôi nhà chọc trời mọc lên giữa ngôi làng nhỏ trên đảo với lời nhắn “Tôi hứa không làm vậy với Greenland” trên Twitter của mình. Phía Đan Mạch hết sức ngỡ ngàng trước việc ông Trump hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch theo lời mời của Nữ hoàng Đan Mạch chỉ vì vùng lãnh thổ Greenland không được Đan Mạch đồng ý bán cho Mỹ, đã gây ra một cơn chấn động cho nền ngoại giao thế giới. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định Greenland “không phải để bán” và “Greenland không phải của Đan Mạch, Greenland thuộc về Greenland”. Bà Mette Frederiksen bày tỏ hy vọng đây không phải là quan điểm nghiêm túc của Tổng thống Mỹ. Cựu Tổng thư ký NATO, khối quân sự khổng lồ do Mỹ đứng đầu là người Đan Mạch, ông Las Rasmussen nói “đó hẳn là chuyện đùa ngày cá tháng tư” và “chuyến thăm là cơ hội lớn để tăng cường đối thoại giữa các đồng minh đã biến thành cuộc khủng hoảng ngoại giao”. Ông Morten Ostergaad, lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội Đan Mạch nói về việc hủy chuyến thăm của Tổng thống Mỹ rằng “Điều đó cho thấy vì sao chúng ta hơn bao giờ hết nên cân nhắc xem các nước EU là đồng minh thân thiết nhất”, cho thấy sự rạn nứt ngày càng lớn giữa Đan Mạch đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tiếp tục gia tăng.
Tuyên bố mua đảo vì mục tiêu chiến lược
Bắc cực đang là mục tiêu không chỉ trong ngắn và dài hạn của các cường quốc lớn như Mỹ - Nga - Trung Quốc mà cũng là mục tiêu của các quốc gia Bắc Âu, Bắc Mỹ, bởi tại đây ẩn chứa rất nhiều tài nguyên khoáng sản mà nền kinh tế nào cũng cần tới. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến băng tại đây tan chảy nhanh, phát lộ dần những vị trí chứa tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác được đang kích thích các cường quốc “khẩn trương” tiến vào Bắc cực. Chính vì vậy, Trung Quốc đã có những bước đi trước để gia tăng sự hiện diện khi liên doanh với một công ty Australia góp vốn tới 11% để khai thác khoáng sản tại đảo Greenland. Riêng với Mỹ, vùng Bắc cực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược lâu dài của cường quốc số một thế giới và Mỹ không muốn Nga, Trung Quốc “nhảy vào” khu vực này. Mới đây nhất vào tháng 5 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp tại Hội đồng Bắc cực ở Phần Lan đã cho rằng “Mỹ cần ngăn chặn sự hiện diện của Nga và Trung Quốc ở Bắc cực”. Ngoại trưởng Mỹ lưu ý rằng “việc Trung Quốc chỉ cách Bắc cực 1.450 km” (các công ty Trung Quốc đang làm ăn ở Greenland) và dù không được xem là một phần của Bắc cực nhưng Trung Quốc đang sáng tạo nên khái niệm “gần Bắc cực”. Chính quyền đảo Greenland mấy năm gần đây đã đề ra kế hoạch xây sân bay quốc tế lớn hơn để tiếp nhận máy bay có trọng tải lớn để thúc đẩy du lịch kết hợp với xuất khẩu hải sản. Nhưng những nỗ lực xây dựng 3 sân bay Greenland, trong đó có một sân bay ký hợp đồng với Trung Quốc đã bị Mỹ cản trở thành công năm 2018. Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ở giai đoạn căng thẳng khiến Mỹ muốn mua đảo Greenland để ngăn chặn Trung Quốc khai thác đất hiếm tại đây. Điều này chỉ đúng một phần nhỏ vì Mỹ đang nhập đất hiếm của Trung Quốc (gần 200 triệu USD/năm), nếu Trung Quốc dừng cung cấp đất hiếm cho Mỹ cũng chỉ khiến Mỹ “lúng túng” trong thời gian rất ngắn bởi nếu Mỹ khai thác các mỏ đất hiếm của mình không những đủ cung cấp cho nền công nghiệp trong nước mà còn kéo dài thời gian sản xuất và xuất khẩu cho thị trường thế giới tới hơn 200 năm. Do đó, mối quan tâm của Mỹ tới Greenland và Bắc cực nhắm tới mục tiêu dài hạn hơn rất nhiều so với đất hiếm, đó là khống chế được Bắc cực - nơi rất giàu tài nguyên để phục vụ cho riêng mình và khống chế cả về địa chính trị tại khu vực này mà trước hết là nhằm cản trở Nga (nước có nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật nghiên cứu về Bắc cực và cũng đã có căn cứ quân sự tại đây), sau đó mới đến Trung Quốc và các cường quốc khác. Điều này lý giải tại sao Mỹ lại tiếp tục đặt vấn đề mua Greenland thuộc Đan Mạch.
Mỹ có tiền đồn chống Nga từ năm 1951 tại Greenland
Nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, lại có diện tích rộng, Greenland rất quan trọng không chỉ với Nga và cả với Mỹ. Năm 1951, Đan Mạch ký hiệp ước với Mỹ cho phép “nước tư lệnh” khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt căn cứ quân sự tại Greenland. Mỹ đã thành lập căn cứ không quân Thule (nay gọi là Qaanaac) ở phía Bắc Greenland chỉ cách Bắc cực 900 km. Căn cứ này có khoảng 600 quân nhân và nhân viên kỹ thuật Mỹ. Tại đây, Mỹ xây trạm rada cảnh báo sớm của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, hỗ trợ Bộ Chỉ huy không gian, Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ. Đây cũng là nơi đặt nhiều thiết bị của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Trang quốc phòng của Mỹ Defecenews.com đã tiết lộ rằng “vị trí của Thule (Qaanaac) trên địa cầu và rada phủ sóng 240 độ hướng tới Bắc Băng Dương và bờ biển phía Bắc của Nga khiến cho Greenland thành địa điểm lý tưởng để dò tìm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vệ tinh ở quỹ đạo tầng thấp của trái đất”. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Nga đã sử dụng hành lang địa phận biển của nước này xung quanh Greenland để cử tàu ngầm, tàu chiến ra Đại Tây Dương. Ngày nay với những tiến bộ khoa học của riêng mình, Nga đã đóng dấu ấn tại Bắc Băng Dương và Bắc cực khiến Mỹ lo tìm cách ngăn cản. Vì vậy, đầu năm 2019 lần đầu tiên Mỹ quyết định điều tàu sân bay tới khu vực này nhằm nhắc nhở Nga.
Như vậy, việc tuyên bố mua phần lãnh thổ Greenland của Đan Mạch mà theo tính toán của Trường Đại học Kinh tế Plekhanov (Nga) phải chi tới 10.000 tỷ USD. Đây không phải là kinh tế, số tiền trên Mỹ có thể trả được, vấn đề Mỹ nhắm đến là địa chính trị, kinh tế, quân sự phục vụ cho chiến lược lâu dài của Mỹ vì mục tiêu “nước Mỹ trên hết”. Còn Đan Mạch chắc chắn sẽ không để mất chủ quyền với Greenland, bởi nước này cũng có rất nhiều lợi ích từ vùng biển Bắc và Bắc cực.
HẢI HÀ