Đảo Cồn Cỏ - Một tiềm năng du lịch

03/12/2013 05:56

Cồn Cỏ là đảo nhỏ ở Biển Đông, thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cách đất liền hơn chục hải lý.



Âu tàu thuyền trên đảo Cồn Cỏ


Cồn Cỏ anh hùng, bất khuất trong kháng chiến đang từng ngày phát triển, hướng tới một điểm du lịch ấn tượng ở miền Trung.

Đảo anh hùng

Nhắc đến Cồn Cỏ là nhắc đến những kỳ tích chiến tranh. Do vị trí địa lý đặc biệt mà từ lâu, đảo Cồn Cỏ có tầm quan trọng chiến lược, là “con mắt thần” trên cửa ngõ vịnh Bắc Bộ, trực tiếp bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đó, trong những năm chiến tranh, Cồn Cỏ trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Cao điểm là các năm 1965 - 1967, có ngày, máy bay, tàu chiến giặc ném bom, bắn phá 8 giờ liên tục. Song, với tinh thần “còn người là còn đảo”, cùng với sự chi viện đắc lực của quân, dân huyện Vĩnh Linh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ luôn vững vàng trên chiến tuyến, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, làm nức lòng quân dân cả nước. Hòn đảo này đã từng 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được Bác Hồ tặng 2 câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê kỳ”. Đó là phần thưởng vô cùng xứng đáng và rất tự hào dành cho những chiến sĩ kiên trung, bất khuất trên đảo nhỏ anh hùng.

Tiềm năng du lịch

Cồn Cỏ gần như là hải đảo duy nhất có hệ sinh thái đa dạng lại không quá cách xa bờ. Trải qua hàng thế kỷ hoạt động của núi lửa giữa biển khơi đã tạo ra một Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên độc đáo với các thềm đá ba-dan kỳ vĩ, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn cát, san hô, sò điệp... Nước biển ở đây rất trong và ấm (ít khi xuống dưới 21 độ C) đã ban cho Cồn Cỏ những mùa tắm kéo dài. Rừng tự nhiên chiếm 74% diện tích đảo Cồn Cỏ và là hệ sinh thái khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam... Đó là loại rừng nhiệt đới với ba tầng cây cỏ và dây leo làm cho Cồn Cỏ thực sự là hòn đảo xanh với thảm thực vật phong phú. Ở đây có những khu rừng xanh tốt trên thềm san hô cổ - một hệ sinh thái đặc biệt trên nền đất khô.

Theo các nghiên cứu của các nhà sinh vật biển, đến nay đã phát hiện được tại Cồn Cỏ có khoảng 960 loài có giá trị trong vịnh Bắc Bộ, trong đó có 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm loài động vật phù du…

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển, Trường Đại học thủy sản Nha Trang và một số đơn vị khác thì hiện trạng tài nguyên biển của đảo Cồn Cỏ còn hoang sơ, đặc biệt là rạn san hô phong phú, như san hô đỏ, san hô đen là loài quý hiếm hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Với hệ sinh thái đa dạng trên, cùng với việc đảo Cồn Cỏ nằm trong chuỗi địa danh lịch sử, danh thắng nổi tiếng như: Vĩ tuyến 17, địa đạo Vĩnh Mốc, bãi biển Cửa Việt, Cửa Tùng... nên Cồn Cỏ hội đủ tiềm năng để phát triển du lịch.

Đặc biệt, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiều ngành kinh tế - đặc biệt là yếu tố giao thương giữa Quảng Trị với các địa phương trong nước và các quốc gia trong khu vực - đảo Cồn Cỏ được nhìn nhận như một hòn đảo có giá trị lớn về du lịch. Cồn Cỏ nằm trên 4 tuyến giao thông biển nối các điểm dân cư, kinh tế quan trọng. Đó là đường biển Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Bến Thuỷ và Hải Phòng - Manila.

Cồn Cỏ cách bãi tắm Cửa Việt 17 hải lý và cách Cửa Tùng - nơi được mệnh danh là “nữ hoàng các bãi tắm” - 15 hải lý. Hai bãi tắm trên đang thu hút ngày càng đông khách du lịch từ vùng đông bắc Thái Lan và Lào đến theo quốc lộ 9 - hành lang kinh tế đông tây. Cồn Cỏ sẽ trở thành một đỉnh trong tam giác du lịch cùng với Cửa Việt, Cửa Tùng. Với những lợi thế đó, Cồn Cỏ rất phù hợp để phát triển du lịch biển, mà chủ yếu là lặn biển, khám phá các rạn san hô đỏ, san hô đen cực kỳ quý hiếm trên thế giới.

Thực hiện chủ trương biến Cồn Cỏ thành đảo du lịch, tỉnh Quảng Trị đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên đảo. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông đã được phủ nhựa và bê-tông hóa; cầu cảng và âu thuyền được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập vào đảo; điện, nước sinh hoạt được bảo đảm; thông tin liên lạc thông suốt; đất đai được quy hoạch, trong đó dành quỹ đất để phát triển du lịch.

ĐỖ QUYÊN


Huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập theo Nghị định số 174 ngày 1-10-2004 của Chính phủ, với diện tích 2,2 km2. Thời điểm đó, có 46 thanh niên tình nguyện ra đảo lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới nên đảo có tên gọi “Đảo Thanh niên”. Sau 9 năm thành lập, huyện đảo cũng chỉ có khoảng 400 cư dân, sống bằng hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch. Đảo chỉ có duy nhất một ngôi trường, đó là Trường Mầm non Hoa Phong Ba, một lớp học cho 11 cháu từ 1-5 tuổi. Một số công trình cơ sở hạ tầng hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, khiến hòn đảo mang dáng dấp một đô thị cấp huyện. Lộ trình đến năm 2015, huyện đảo sẽ xây dựng xong 50 ngôi nhà để thu hút dân cư đất liền ra đảo lập nghiệp. Điều này cũng là một động lực về nguồn nhân lực để phát triển du lịch biển đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảo Cồn Cỏ - Một tiềm năng du lịch