Về động Kính Chủ ngoài việc được đắm vào sự kỳ thú của hang động, du khách còn thưởng ngoạn hơn 40 tấm bia "độc nhất vô nhị" khắc trực tiếp vào đá núi.
Động Kính Chủ
Nổi tiếng là nơi danh thắng, từ xưa, động Kính Chủ ở xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) đã được xếp vào hàng "Nam thiên đệ lục động" (1 trong 6 động của nước Nam). Về nơi đây ngoài việc được đắm vào sự kỳ thú của hang động, du khách còn được thưởng ngoạn hơn 40 tấm bia "độc nhất vô nhị" khắc trực tiếp vào đá núi thi gan cùng tuế nguyệt.
Kỳ thú hang độngKỳ quan Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn), nom xa trông giống một hòn non bộ, tới gần sừng sững những ngọn đá hình mũi mác. Động Kính Chủ nằm ở sườn nam núi Dương Nham. Qua 36 bậc đá, động mở toang, hoăm hoẳm vào lòng núi với 3 cửa hang lớn. Không gian động khá rộng phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt vô cùng kỳ thú. Theo nghiên cứu, động từng là chốn cư trú của những người tiền sử. Bằng chứng là những hình động vật được khắc trên vách đá và công cụ lao động của người xưa đã được tìm thấy. Trong động còn có đường lên trời thông với đỉnh núi, đường xuống âm phủ, ăn xuống lòng sông Kinh Thày. Với cảnh thiên tạo như cõi cực lạc, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật, thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả. Nơi đây còn có nhiều tượng tạc bằng đá mô tả những sự kiện điển hình trong kinh Phật. Ở bên trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) và bốn chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh Thư” (Phạm Sư Mệnh viết) vốn là nơi đọc sách của Phạm Sư Mệnh - một vị quan nổi danh thời Trần.
Rời động chính, men theo vách núi cheo leo lên miếu Tiên, chúng tôi lại được tận hưởng cảm giác khoan khoái khi đắm mình vào thiên nhiên cây cỏ, phóng tầm mắt xuống làng mạc, sông nước bao la. Ở miếu Tiên có phiến đá trên kẻ một bàn cờ. Tương truyền, nơi đây vào mùa thu, các vị tiên trên trời lại hạ giới đánh cờ, thưởng ngoạn cảnh đẹp. Dưới chân núi là hang Ngũ nước kỳ thú với 5 cửa động, các thạch nhũ cùng nước trong vắt, mát lạnh nhỏ tí tách bốn mùa. Bên cạnh đó, di tích Kính Chủ còn có nhiều hang động độc đáo như hang Vang, hang Luồn, hang Tiên Sư... với những câu chuyện huyền sử hấp dẫn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khu động Kính Chủ từng là căn cứ quân sự, kho xăng dầu quan trọng của ta và nhiều lần bị máy bay địch bắn phá. Anh Nguyễn Tiến Quân, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn cho biết, những ao chuôm lố nhố bao quanh di tích chính là những hố bom ngày xưa.
Hệ thống bia đá "độc nhất vô nhị"Ngoài sự kỳ thú của các hang động lớn nhỏ, Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hệ thống văn bia "độc nhất vô nhị" được tạc trực tiếp vào vách đá. Các văn bia có đủ các kích cỡ lớn, nhỏ, có những tấm chỉ bé bằng cuốn sách, có những tấm to bằng chiếc chiếu tạc xung quanh động chính. Về hình dáng, các bia đá giống với loại văn bia được tìm thấy tại các đền, chùa, trán bia cong hai mặt, chạm khắc lưỡng long hoặc lưỡng phượng chầu mặt nguyệt, bia và diềm bia trang trí, họa tiết hoa văn đẹp, tinh xảo. Quanh động chính, có hơn 40 tấm bia đá cả thảy. Một vài tấm chữ đã bị nhòe mờ, song đa phần còn khá rõ nét. Sự khác nhau về tạo tác, kích thước, hoa văn, kiểu dáng chứng tỏ chúng thuộc nhiều niên đại lịch sử khác nhau. Có lẽ Kính Chủ là nơi duy nhất ở nước ta có nhiều bia được khắc trên vách đá.
Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, với cảnh đẹp được xếp vào 1 trong 6 động đẹp nhất trời Nam, rất nhiều bậc vua chúa, danh nhân, sư sãi, du khách các thời đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh thiên nhiên đã đề thơ để lại trên vách đá. Những dòng này cùng quá trình tu tạo di tích đã được những người thợ đá Kính Chủ gửi vào hơn 40 văn bia trên.
Trong hệ thống văn bia ở đây đáng chú ý là tấm bia ở cửa động khắc trung thành nét bút của Phạm Sư Mệnh nhân chuyến ông đi duyệt binh các lộ đông bắc lên núi quê nhà (Phạm Sư Mệnh quê ở Kinh Môn) xúc động viết thành thơ vào năm 1368. Còn tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông, chủ súy hội Tao Đàn nhân chuyến ông đến thăm vào mùa xuân năm 1487. Đầu thế kỷ XX, các bia ký ở động Kính Chủ không chỉ ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm mà cả bằng chữ quốc ngữ... Cùng với những văn bia đề thơ còn có hàng chục văn bia cổ ghi lại quá trình xây dựng tôn tạo danh thắng. Đặc biệt ở đây còn có một văn bia do những vị chức dịch, đại diện cho xã dựng vào năm Thịnh Đức (1653) nói về lai lịch làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ cùng tên họ 14 người đại diện cho làng thợ. Đây là những tư liệu quý báu cho người đời sau hiểu rõ về nghề đục đá của Kính Chủ suốt 7 thế kỷ qua.
Kỳ thú như thế vậy mà đã có thời danh thắng Kính Chủ bị tàn phá không thương tiếc. Ngọn núi Lĩnh Đông thuộc quần thể di tích nằm đó trơ trụi, nham nhở bởi nạn khai thác đá. Giờ di tích đã được lập quy hoạch tổng thể bảo tồn song tiềm năng du lịch thì chưa được đánh thức. Di tích lịch sử động Kính Chủ được xếp hạng quốc gia vào đợt đầu của cả nước (28-4-1962). Tuy vậy, đến nay đường giao thông, khu sân vườn, nơi thờ cúng đã xuống cấp; các công trình trong khu di tích chưa được xây dựng, việc sửa chữa, tu bổ còn mang tính tự phát.
NGỌC HÙNG