Cẩm Giàng bao đời nay luôn giàu có về di sản văn hóa, truyền thống hiếu học... nhưng lại chưa được nhiều người biết đến.
Văn miếu Mao Điền chủ yếu thu hút người dân vào dịp lễ hội, lượng khách trong nước và quốc tế còn ít
Giàu có di sảnVề Cẩm Giàng, nếu du khách chưa đến thăm Văn miếu Mao Điền (thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền) là chưa cảm nhận được nét văn hiến của mảnh đất truyền thống hiếu học này, bởi nơi đây vốn là Trường thi Hương của trấn Hải Dương xưa. Được khởi dựng từ thời Lê Sơ, trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, Văn miếu vẫn giữ được nét cổ kính mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật cung đình nhà Nguyễn. Có thể coi Văn miếu Mao Điền là hình ảnh thu nhỏ của Văn miếu Quốc Tử Giám về cả quy mô, kiến trúc nghệ thuật và chiều dài lịch sử. Trong Văn miếu thờ Khổng Tử và các bậc đại nho mà thân thế và sự nghiệp gắn liền với trấn Hải Dương xưa như: Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh; ghi danh 637 tiến sĩ Thành Đông xưa...
Cụm di tích đền Bia (xã Cẩm Văn), đền Xưa (xã Cẩm Vũ), chùa Giám (xã Cẩm Sơn) đều là những công trình đậm kiến trúc cổ. Nơi đây thờ Đại danh y Thiền Sư Tuệ Tĩnh, người được coi là vị tổ thuốc nam với phương châm "Lấy thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt". Trong đó, đền Xưa mang dấu tích chân tảng, đẳng thờ bằng đá và các mảng chạm khắc gỗ tinh xảo mang dấu ấn kiến trúc thế kỷ XVII. Chùa Giám được xây dựng theo kiến trúc trăm gian, ấn tượng nhất là tòa Cửu phẩm liên hoa cao 9 tầng với tổng số 162 pho tượng, là 1 trong 3 tòa cửu phẩm duy nhất trong hệ thống hàng nghìn ngôi chùa cổ của cả nước. Đền Bia có kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh, được bao bọc bởi cánh đồng lúa rộng lớn.
Trong số những di tích văn hóa của Cẩm Giàng không thể không kể đến thị trấn Cẩm Giàng, xưa kia từng là một phố thị để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc cả nước qua những trang văn chất chứa cảm xúc của nhà văn Thạch Lam. Hiện nay thị trấn Cẩm Giàng vẫn còn ghi dấu không gian xưa của dòng văn học Tự lực Văn đoàn.
Cẩm Giàng còn được biết đến với nhiều nghề truyền thống nổi tiếng khắp vùng như: chạm khắc gỗ Đông Giao (xã Lương Điền), rượu Phú Lộc (xã Cẩm Vũ)... Trong đó, làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao với lịch sử hình thành khoảng 300 năm trước được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là đồ thờ và các vật dụng trang trí nội thất. Với sự truyền dạy của những người thợ khéo léo, tài hoa từng được các vua triều Nguyễn vời vào xây dựng cung đình Huế đã giúp các sản phẩm của làng nghề hôm nay có đường nét, bố cục đẹp, nét chạm trổ tinh xảo.
Làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao ở xã Lương Điền mới chú tâm phát triển sản xuất, kinh doanh
mà chưa có “chiến lược” thu hút khách tham quan du lịch. Ảnh: Mai Anh
Mảnh đất văn hiến, hiếu học Cẩm Giàng còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Đội tuồng xã Thạch Lỗi nức tiếng gần xa do các nghệ nhân - những người dân mê tuồng thể hiện. Đặc biệt, ở xã Cẩm Đông đã xây dựng, duy trì được đội hát chèo của các cháu thiếu niên nhi đồng. Ngoài ra, huyện còn xây dựng được Câu lạc bộ Ca trù, tập hợp những người tâm huyết, có năng khiếu với bộ môn truyền thống này...
Những việc phải làmGiàu có về các di sản văn hóa phi vật thể nhưng hiện nay, Cẩm Giàng vẫn chỉ có một vài điểm tham quan như Văn miếu Mao Điền, làng nghề gỗ Đông Giao... được nhắc đến trong bản đồ du lịch tỉnh Hải Dương. Với những giá trị lịch sử trên cộng với lợi thế nằm cạnh quốc lộ 5 (tuyến Hà Nội - Hải Phòng), Văn miếu Mao Điền hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của mình. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Giàng, mỗi năm Văn miếu đón khoảng 2 vạn khách tham quan, nhưng chủ yếu là khách trong tỉnh. Hằng năm mới chỉ có 1 -2 đoàn khách du lịch đi theo "tua" từ Quảng Ninh ghé thăm Văn miếu như một điểm dừng chân dọc đường. Cụm di tích đền Bia, đền Xưa, chùa Giám cũng chỉ thu hút người dân địa phương đến chiêm bái vào các dịp lễ, Tết. Các làng nghề mới chỉ phát huy trên phương diện quảng bá thương hiệu, bán sản phẩm phục vụ mục đích kinh doanh chứ chưa có chiến lược thu hút khách tham quan, du lịch. Các câu lạc bộ hát truyền thống mang tính phục dựng, gìn giữ nét đẹp văn hóa, chưa mở mang theo hướng quảng bá hình ảnh...
Từ những nền tảng sẵn có, rất thuận lợi để mở "tua" du lịch tại huyện Cẩm Giàng với xuất phát điểm từ TP Hải Dương - Văn miếu Mao Điền - làng mộc Đông Giao - thị trấn Cẩm Giàng - cụm di tích chùa Giám, đền Bia, đền Xưa và ngược lại. Nhưng để dự định ấy thành hiện thực, các cơ quan hữu quan của tỉnh, huyện còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, đối với Văn miếu Mao Điền, tỉnh cần quan tâm, hiện thực hóa sớm nhất dự án Đề danh tiến sĩ lên bia đá. Xúc tiến việc mở rộng quy hoạch Văn miếu Mao Điền và xây dựng công viên Tự lực Văn đoàn (thị trấn Cẩm Giàng). Nhanh chóng triển khai việc xây dựng khu thương mại trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm với du khách tại làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao. Cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông nội huyện để thông tuyến nối các điểm trong "tua" du lịch. Quan tâm đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ những người gắn liền với các điểm du lịch trong "tua". Có biện pháp liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để quảng bá hình ảnh, dịch vụ du lịch huyện từ đó có lộ trình đưa khách đến các điểm tham quan. Đồng thời, mở rộng nâng cấp dịch vụ trưng bày, bán các sản phẩm là đặc sản của địa phương. Kết hợp lồng ghép du lịch với biểu diễn văn nghệ truyền thống tại các điểm tham quan...
Thực tế của Cẩm Giàng hiện nay phát triển du lịch không phải là để mở rộng một lĩnh vực khai thác kinh tế mà trước hết những di sản này giúp mọi người hiểu rõ hơn về lịch sử, đề cao đạo học, gìn giữ nét đẹp văn hóa quê hương... Đây là những yếu tố rất quý giá, đáng để quan tâm. Vì vậy, trước khi thu hút khách thập phương, cần quan tâm để du khách trong tỉnh đến với nơi này nhiều hơn. Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo cần coi "tua" du lịch này là điểm học tập ngoại khóa hữu ích với các em học sinh.
NGỌC THANH