Tấm bia khắc nhớ ơn thầy

20/11/2017 17:07

Từ xa xưa, làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) đã nổi tiếng là nơi sinh ra những con người tài hoa có nhiều đóng góp cho xã hội.


Tấm bia đá khắc ghi công ơn thầy Vĩ Tích vẫn được dòng họ Nguyễn Gia lưu giữ

Một trong số đó phải kể đến Giám sinh Quốc tử giám Nguyễn tiên sinh (tức cụ Nguyễn Vĩ Tích, đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Gia). Cụ là người có công dạy dỗ nhiều học trò đỗ đạt tiến sĩ.

Từ quan về dạy học

Dòng họ Nguyễn Gia sinh sống ở làng Nghĩa Phú đến nay khoảng 300 năm, truyền được 15 đời, chia làm 3 chi. Dòng họ có nhiều người tài giỏi, đỗ đạt làm quan và phát triển sự nghiệp ở khắp mọi nơi. Trong đó, cụ Nguyễn Vĩ Tích là đời thứ 6. Theo lời kể của lương y Nguyễn Gia Cửu (49 tuổi), hiện là trưởng dòng họ Nguyễn Gia thì cụ có tên hiệu là Lượng Trực, sinh năm 1772, mất năm 1814. Sinh thời, cụ là người thông minh lỗi lạc, có chí lớn, tính tình chân thực, tướng mạo đẹp, tiếng nói vang như chuông đồng. Cụ có học vấn uyên bác, thơ văn sâu lắng, gây ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt, cụ có tinh thần học hỏi không biết mệt mỏi. Triều Lê năm Đinh Mùi  1787, cụ tham gia thi hội, đỗ tam trường. Đến triều Nguyễn, năm Gia Long thứ hai 1803, cụ được cử làm Tri huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Mặc dù làm Tri huyện nhưng cuộc sống của cụ rất giản dị, không màng vật chất. Nhiều vụ việc được cụ xét xử công minh, thấu tình đạt lý nên được người dân tin yêu.

Tuy nhiên, chốn quan trường có nhiều đố kỵ, ghen ghét, vì thế cụ treo ấn từ quan về sống cuộc sống an nhàn và dạy học. Thời gian đầu, cụ mở trường dạy học tại các vùng Vĩnh Lại, Phù Tải, Hoa Dương, Kim Động, Nam Xương, Cao Đà. Sau về Hải Thiên, Tiên Lữ.

Với tâm đức sáng ngời, tiếng lành đồn xa, học trò ở khắp nơi xin về nhận cụ làm thầy để học cái chữ, làm người quân tử. Trong số hàng trăm học trò của cụ có nhiều người đã đỗ đạt tiến sĩ và làm quan giúp dân, giúp nước như Đệ nhị giáp Tiến sĩ Phạm Nghị, Tả tham tri Bộ Hình Bùi Ngọc Quỹ, Nguyên Giáo thụ Nguyễn Vĩ …

Năm 1814, cụ Vĩ Tích lâm bệnh nặng nên về quê tại làng Nghĩa Phú để dưỡng bệnh và mất ngày 3.11 âm lịch. Người xưa có truyền lại khi hấp hối, cụ gọi học trò và con cháu đến mà dặn rằng thời trẻ cụ quyết chí thi đỗ tiến sĩ nhưng không đạt được ước nguyện nên mong con cháu hết lòng học hỏi để thành người tài có ích cho dân cho nước.

Nhớ mãi lời thầy

Sau khi cụ mất, năm 1842, người dân địa phương và các học trò của cụ đã quyên góp 90 quan tiền, 3 mẫu ruộng để lập bia đá thờ cúng, tỏ lòng biết ơn cụ. Bia có 4 mặt hình hộp chữ nhật (kích thước 100 x 50cm) không có hoa văn. Mặt trước của bia có khắc 7 dòng chữ ghi tên, học vị, chức vụ của thầy Vĩ Tích. Trải qua thời gian, tấm bia đá vẫn được dòng họ Nguyễn Gia lưu giữ tại nhà thờ họ ở xóm Cầu Thầy, làng Nghĩa Phú như một minh chứng cho những công lao to lớn của thầy Vĩ Tích, cũng như lòng tôn sư, trọng đạo của những học trò với thầy giáo đáng kính. Bản xã có văn bản giao ước với dòng họ Nguyễn Gia, hằng năm sửa lễ cúng tế vị ân công của dòng họ vào ngày 14.9 âm lịch. Sau khi tế lễ ở đình, bản xã mang xôi rượu biếu dòng họ Nguyễn Gia. Việc này được khắc vào bia đá để lưu truyền mãi mãi.

Ông Đặng Văn Lộc, nhà nghiên cứu, sưu tầm lịch sử của tỉnh nhận định: Tấm bia đá được khắc giản dị như cuộc đời của cụ Vĩ Tích. Dù không có giá trị lớn về mặt vật chất nhưng lại có ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa và giáo dục. Nó ghi nhận công lao đóng góp của cụ Vĩ Tích trong việc giáo dục và phát triển người tài. Cao hơn nữa là thể hiện tình cảm trân trọng của thế hệ học trò với người thầy đáng kính. Ý nghĩa giáo dục của tấm bia đá về tình thầy trò vẫn mãi vẹn nguyên đến tận hôm nay.

Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, ngày nay, những người con của dòng họ Nguyễn Gia vẫn không ngừng học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Hằng năm, dòng họ có nhiều con cháu đạt học sinh giỏi các cấp, nhiều người thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Cứ vào dịp lễ, Tết hay ngày giỗ của cụ Vĩ Tích, con cháu dòng họ Nguyễn Gia và người dân địa phương lại tề tựu về đây để dâng hương tưởng nhớ người thầy giản dị này.  

Trải qua gần 200 năm lịch sử, tấm bia đá khắc ghi công ơn dạy dỗ của cụ Vĩ Tích đối với các học trò đã trở thành câu chuyện được dòng họ Nguyễn Gia và người dân địa phương lưu truyền. Tấm bia như lời nhắc nhở các thế hệ con cháu sau này phải nhớ lấy truyền thống tôn sư, trọng đạo, không ngừng học tập nuôi dưỡng ý chí vươn lên.


ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm bia khắc nhớ ơn thầy