Nữ tướng giả nam phò vua đánh giặc

18/10/2020 18:35

Về thôn Lai Hà, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), chúng tôi vẫn nghe người dân kể chuyện về nữ tướng Nguyễn Thị Dực - người đã cải trang thành nam nhi, tập hợp nghĩa quân giúp vua Lê đánh tan giặc Tống như một niềm tự hào.


Miếu Lai Cầu - nơi thờ nữ tướng Nguyễn Thị Dực được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2002

Nhi nữ giả nam

Trong số tài liệu ít ỏi nói về nữ tướng Nguyễn Thị Dực thì những bức đại tự, sắc phong và hương ước của làng Lai Cầu được lập từ năm 1936 cho biết: Miếu Lai Cầu là nơi thờ bà Nguyễn Thị Dực, húy Vàng Chinh, người có công đánh giặc Tống vào thế kỷ thứ X. Cha của bà là người họ Nguyễn, mẹ họ Trần, hai người lấy nhau đã lâu không có con. Đến khi ngoài 40 tuổi mới sinh hạ được một cô con gái mặt hoa, da phấn, vô cùng xinh đẹp, liền đặt tên con là Dực. 

Cuối thế kỷ thứ X, giặc Tống nhiều lần đem quân xâm lược nước ta. Khi ấy, Nguyễn Thị Dực mới 17 tuổi nhưng tính nết đã quyết đoán hơn người. Nghe theo lời kêu gọi của nhà vua, bà đã cải trang thành nam nhi, tập hợp nghĩa quân, xin vua cho đi đánh giặc. Được nhà vua đồng ý, bà đã nhiều lần cầm quân và đánh tan quân Tống xâm lược. 

Sau khi dẹp yên giặc, bà và các tướng được vua vời về triều để khao thưởng. Trong buổi lễ, vua Lê biết bà là nữ nhi nhưng không trách phạt mà còn cảm kích trước khí tiết của phận nữ nhi, có lòng trung quân ái quốc. Vua ban thưởng và cho bà về quê thăm cha mẹ. Về quê thời gian ngắn thì bà mất khiến nhà vua vô cùng tiếc thương đã ban cho vàng bạc tổ chức tang lễ, cho dân làng lập miếu thờ và sắc phong là Thành hoàng làng Lai Cầu. 

Với công lao to lớn của bà với đất nước, hằng năm người dân tổ chức nhiều lễ hội liên quan như kỷ niệm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Dực, kỷ niệm ngày mất song thân của nữ tướng… Nhưng lớn nhất phải kể đến lễ hội nhân kỷ niệm ngày mất của nữ tướng Nguyễn Thị Dực vào ngày 10.11 âm lịch.

Trước Cách mạng Tháng Tám, lễ hội được tổ chức trọng thể, kéo dài từ ngày 9-16.11 âm lịch. Ngày 9.11, nhân dân sẽ làm lễ mở cửa đền. Trong các ngày hội có nhiều hoat động diễn ra sôi nổi. Ngoài lễ rước, lễ tế còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như vật, đánh gậy, hát chèo, tuồng... Đáng chú ý nhất trong hoạt động này là lễ rước. Lễ này huy động từ 30 - 40 nữ nhi, phải là gái đồng trinh để rước sắc phong và tượng thần từ miếu Lai Cầu ra lăng - tương truyền là nơi tướng Dực tập trung quân trước khi đến xin vua Lê diệt giặc cứu nước. 

Ngày 16.11 âm lịch, sau khi tổ chức lễ hội tại đình, nhân dân lại rước sắc phong, thần tượng ra miếu làm lễ yên vị, tế dã đám và đóng cửa đình. Tuy nhiên, sau hai cuộc chiến tranh, miếu Lai Cầu bị giặc tàn phá, lễ hội cũng không được tổ chức. Năm 1991, nhân dân địa phương mới khôi phục lễ hội, nghi thức có phần đơn giản hơn, chỉ tổ chức 2 ngày 10 và 11.11 hằng năm.

Cần kịp thời bảo tồn

Quần thể di tích liên quan đến nữ tướng chống giặc Tống ở Lai Hà đến nay vẫn được bà con gìn giữ nghiêm cẩn. Ngoài miếu Lai Cầu còn có khu lăng, phần mộ tướng Dực và cố trạch - tương truyền là nơi ở của phụ thân, phụ mẫu của bà trước đây. 

Không biết miếu Lai Cầu được xây dựng thời điểm nào, sử sách chỉ lưu lại lần trùng tu lớn nhất là vào năm Kỷ Tỵ (1929). Miếu được dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh, bao gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Tiền tế miếu Lai Cầu được xây dựng theo kiểu thu hồi bít đốc. Kết cấu phần mộc gồm 4 vì kèo theo kiểu “con chồng giá chiêng” truyền thống. Đặc biệt, trên các đầu bẩy còn có các bức chạm “trúc hóa long”, “cúc hóa long”, “mai hóa long”, “lá lật” tinh xảo… Tại 2 vì kèo trung tâm, các nghệ nhân đã tạo ra những bức cốn đạt trình độ nghệ thuật cao, đề tài chủ yếu “tứ linh”, “tứ quý” khá đẹp mắt… 

Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói vẩy cá truyền thống. Nối liền gian tiền tế là hậu cung, trong đó có một gian cổ dải và 2 gian cung cấm. Trong hậu cung có bức chạm “lưỡng long chầu nguyệt”, trên có phù điêu hổ ngậm chữ thọ là bức cốn có giá trị. Ngoài ra, miếu Lai Cầu vẫn còn lưu giữ được 5 sắc phong cổ từ thời Tự Đức đến thời Khải Định. Miếu Lai Cầu được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2002 nhưng hiện nay miếu có biểu hiện xuống cấp. 

Theo ông Trương Văn Thảo, cán bộ văn hóa xã Hoàng Diệu thì phần mái gian tiền tế của miếu Lai Cầu đã hỏng, mỗi lần trời mưa đều bị dột, phải dùng thau hứng nước mưa. Khu lăng mộ và khu cố trạch hoang hóa, cỏ dại mọc nhiều, lễ hội cũng không còn được tổ chức lớn như trước, đó là một điều tiếc nuối. “Hiện chúng tôi vẫn cố gắng lưu giữ những tục lệ truyền thống trong ngày húy nhật của tướng bà, tuy nhiên tiếc nhất là lễ rước vì khó tìm được đầy đủ mấy chục các cháu nữ thanh niên, bởi đa phần đi làm ăn xa”, ông Thảo nói.

Theo quan sát, ngoài miếu Lai Cầu đang xuống cấp thì phần lăng và cố trạch cũng đang có biểu hiện hoang hóa, cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo tồn để kịp lưu giữ giá trị lịch sử của di tích này cho thế hệ mai sau.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nữ tướng giả nam phò vua đánh giặc