Chuyện về bà Hoàng phi triều Lê

21/04/2022 17:38

Bà là cháu của vị Trung Lộc thái giám và là con gái thứ hai của Đô úy tham đốc Cường Quận công (húy là Cường, giữ chức Quận công).

Tấm bia ghi sự tích về Hoàng phi Nguyễn Ngọc Ngoạn 

Theo tấm bia “Tự điển các lệ” năm Chính Hòa thứ 20 (1699) được lưu giữ tại đình Hậu, khu 5, phường Việt Hòa (TP Hải Dương), vào thời nhà Lê (thế kỷ XVII) có người con gái họ Nguyễn, tên húy Ngọc Ngoạn, người xã Đồng Niên, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng. Bà không chỉ là người xinh đẹp giỏi giang, tư chất thông minh, hát hay đàn giỏi mà còn giàu lòng nhân đức, danh tiếng vang rộng khắp vùng.

Đặc biệt, bà có giọng hát dịu dàng bay bổng. Một hôm vua biết đến tài năng của bà liền mời vào triều. Vào cung, mỗi khi bà cất tiếng hát làm vua vô cùng thích thú dần đem lòng yêu mến và giữ bà lại triều đình làm Hoàng phi. 

Tuy là dòng dõi quý tộc, phong lưu phú quý nhưng bà không kiêu ngạo, tính tình hiền hậu, nhân đức, luôn phát tâm cứu giúp người nghèo khó trong làng. Năm Kỷ Dậu (1669) hạn hán, khô cạn, mất mùa đói kém, bà về thăm quê thấy dân tình túng bấn, đã ban cho nhân dân 600 quan tiền, 6 mẫu ruộng để giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt cho người dân. 

Sau đó, bà còn đóng góp tiền của để xây dựng bản xã như nạo vét sông ngòi, làm đường, bắc cầu... Bà tấu trình vua xin đào một con ngòi tại bản xã, tương truyền đó là con ngòi ruột rồng được thực hiện trong 3 tháng 10 ngày, chạy từ khu vực cống Mới qua cống Vòng đến cầu Si, tại đây được bắc hai cầu đá để nhân dân đi lại thuận tiện. Ân đức của bà được mọi người tôn kính. Đặc biệt, người dân suy tôn bà là “Đương cảnh Thành hoàng Đại vương”, xây dựng ngôi đình ngay từ khi bà còn sống để tôn thờ. Hằng năm, vào ngày 12.2 âm lịch tổ chức lễ chúc thọ, hát xướng hai ngày. Tiệc sắm lễ gồm một con bò to, hai con lợn, xôi, rượu. Sau đó, nhân dân cùng nhau thụ lộc. Sau khi bà mất nhân dân địa phương hương hỏa phụng thờ cho đến ngày nay. 

Theo ông Nguyễn Văn Trang, Trưởng chi 2, họ Nguyễn trông nom đình Hậu cho biết, di tích được xây dựng vào năm 1689, tường xây gạch chỉ, khung bằng gỗ lim, chạm khắc hoa văn đơn giản, mái lợp ngói mũi hài, được trùng tu vào thời Nguyễn. Năm 1968, di tích bị hạ giải hoàn toàn. Đến năm 2004 đình được phục dựng lại với quy mô nhỏ có một gian trên nền đình cũ.

Hiện tại, di tích còn lưu giữ được tượng Hoàng phi Ngọc Ngạn, khám thờ thời Nguyễn, 1 bát hương gốm Phù Lãng, 1 bia đá hậu Lê (thế kỷ XVII) và 1 bia thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Trước năm 1945, hằng năm lễ hội đình Hậu được tổ chức vào tháng 2 âm lịch từ ngày 12 đến ngày 14, kỷ niệm ngày sinh của Hoàng phi Ngọc Ngoạn. Hiện nay dòng họ Nguyễn tổ chức ngày giỗ bà vào 16.7 âm lịch  để tưởng nhớ, tri ân công đức lớn lao của bà đối với quê hương.

HẠNH THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về bà Hoàng phi triều Lê