Chuyện chưa kể về Lương Định Của

02/04/2013 17:54

Nhiều chuyện cảm động về nhà khoa học của nông dân Lương Định Của qua hồi ức của người thân cũng như đồng nghiệp của ông.




Bác sĩ nông học Lương Định Của và các cán bộ viện

 Cây lương thực và cây thực phẩm thời kì đầu


Nhân một chuyến công tác, chúng tôi có dịp tới thăm Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Gia Lộc). Vừa ngỏ ý hỏi đường, người dân đã chỉ dẫn nhiệt tình đến Viện "bác Của”. Thật may mắn, chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện cảm động về nhà khoa học của nông dân qua hồi ức của người thân cũng như đồng nghiệp của ông.

"Viện bác Của”


Rời TP Hải Dương chừng mười mấy cây số là tới địa phận huyện Gia Lộc, chúng tôi hỏi đường một số người dân xung quanh và được kiểm chứng một điều khá thú vị. Khi hỏi tới Viện Cây lương thực và thực phẩm nhiều người vẫn còn phân vân không rõ nhưng chỉ cần hỏi "viện bác Của” thì ai cũng hồ hởi chỉ đường. Đã hàng chục năm, kể từ ngày bác sĩ nông học Lương Định Của qua đời, người dân nơi đây vẫn luôn nhớ về ông với sự thành kính và yêu mến không thay đổi…


Viện Cây lương thực và cây thực phẩm giờ đã được xây dựng khang trang và quy mô hơn rất nhiều so với thời điểm bác sĩ nông học Lương Định Của còn sống. Cánh đồng rộng mênh mông của viện vẫn được phân khu rõ ràng từng giống cây khác nhau. Chỉ khác là trên nền nhà xưa của ông hiện nay được thay thế bằng một nhà tưởng niệm ấm cúng do anh em cán bộ viện dựng nên. Khi được các cán bộ của viện cho xem lại bức hình chụp căn nhà xưa của ông chúng tôi không thể tin vào mắt mình: căn nhà nhỏ, lợp ngói, có thể gọi là khá lụp xụp lại là nơi ở, làm việc của vợ chồng ông trong cả chục năm trời…



Bác sĩ nông học

 Lương Định Của

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Viện trưởng viện Cây lương thực và thực phẩm kể về người thầy, người cấp trên của mình với giọng bùi ngùi: Một ngày làm việc của "bác Của” bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng và kết thúc lúc đêm khuya, có những ngày ông ròng rã trong phòng thí nghiệm, có những ngày cật lực ngoài đồng, dưới cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè. 


Ông Tuấn nhớ lại: Làm nghiên cứu nông nghiệp vất vả hơn hẳn những ngành nghiên cứu khác bởi không thể làm việc trong phòng lạnh được mà phải sớm hôm ruộng đồng như bà con nông dân. Thời điểm tôi mới được phân về Viện, lương cán bộ nghiên cứu khoảng 51 đồng, nhiều anh em cự nự, bác Của mới nghiêm khắc trong cuộc họp: "Nếu như tôi nghĩ về lương thì không bao giờ tôi về Việt Nam, nhất là trong giai đoạn chiến tranh như thế này. Lương bây giờ của tôi chỉ gấp 3 lần các anh nhưng nếu tôi ở bên Nhật người ta sẽ trả cho tôi gấp 5-7 chục lần”. Những đợt xét lương sau, không ai còn dám ý kiến gì nữa.


Lúc đương thời, bác sĩ nông học Lương Định Của cũng là một tấm gương lớn về sự liêm khiết với anh em cán bộ trong viện. Thời điểm chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt, một bộ phận cán bộ nghiên cứu cùng  "bác Của” vào Thanh Hoá để chọn và nhân giống cho bà con. Ông mới mang theo một chiếc đài nhỏ của Nhật để nghe tin tức thời sự. Cái đài dùng pin nên chỉ được mấy ngày là hết, ông bèn nhờ một người cộng sự ra cửa hàng bách hoá tổng hợp để mua 2 cục pin đại. Nghe tiếng "bác Của”, ty thương nghiệp mới bán cho cả một chiếc đài mới đi kèm với pin. Người đồng nghiệp mang cả về thì lập tức bị ông mắng "Tôi bảo cậu mua pin chứ có phải mua đài đâu. Đem trả lại”.


Sau chiến tranh, tình báo kinh tế của ta mới lấy được một ít giống cây có năng suất cao trao lại cho Viện Cây lương thực và cây thực phẩm. Đón nhận giống quý, ông mới chia ra làm 3 phần, một phần đem ươm thử trong phòng thí nghiệm, một phần đem vào lưu trữ ở kho lạnh của viện, phần khác cho vào một gói nhỏ, bọc cẩn thận giữ bên mình. Tối đến, ông cắp túi hạt giống nhỏ trong nách để ngủ, mục đích nhằm giữ nhiệt cho những hạt giống quý này được nảy mầm an toàn và cũng để quan sát những đặc tính của giống.




Vợ chồng "bác Của” 


Mối lương duyên với người vợ Nhật 


Về thăm viện "bác Của” lần này, may mắn chúng tôi được gặp bà Nobuko Lương nhân dịp bà và người con trai cả, ông Lương Hoàng Việt về Bắc thăm bạn bè. Đã ngoài tuổi chín mươi nhưng bà Của trông vẫn còn nhanh nhẹn, hỏi chuyện nào ra chuyện ấy. Nghe bà kể chuyện trước kia, chúng tôi cũng lây lan niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ đến từ xứ sở Phù Tang này.


Hai ông bà gặp nhau khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường ở Kyushu, bà Nobuko Nakamura lúc bấy giờ đang là sinh viên theo học trường Cao đẳng nữ học Fukuoada. Cái tài và nghị lực của chàng trai Việt, sự nết na, thuỳ mị của cô gái xứ phù tang đã dẫn họ đến với nhau. Hồi ấy, việc một cô gái Nhật được bố mẹ cho phép lấy chồng người nước ngoài là một việc rất hiếm. Khi hai người đến với nhau thì gặp không ít cản trở khó khăn, thậm chí cả từ phía chính quyền. May mắn thay, chàng trai Việt lại được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía nhạc mẫu. Mồ côi mẹ khi mới mười hai tuổi nên ông coi bà như mẹ, vì vậy suốt những năm tháng sau này, bà luôn là nơi hậu thuẫn cho hai vợ chồng, kể cả khi đã rời khỏi nước Nhật.


Năm 1945, khi ông vừa tốt nghiệp trường Đại học Quốc lập Kyushu cũng là lúc hai người thành thân. Đây cũng là thời điểm lịch sử, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức ra đời. Bà nghe ông nói nhiều về Hồ Chủ Tịch, về ước mong được trở về và cống hiến. Dần dần, bà cũng bị lây tình yêu của ông với đất nước Việt Nam.


Theo chồng về Việt Nam, bà Nobuko buộc phải học lại tất cả những lễ nghi, phong tục của đất Việt.  Cuộc sống cũng khó khăn hơn rất nhiều, vợ chồng con cái phải sống trong một căn nhà rất nhỏ. Bà đảm nhiệm công việc trợ lý riêng của ông trong công tác chọn giống, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Để tăng gia sản xuất như các chị em trong Viện Cây lương thực và thực phẩm, bà Nobuko cũng nuôi thêm con gà, con lợn cải thiện bữa ăn cho chồng con. Điều này khi còn ở Nhật, bà thực sự chưa bao giờ nghĩ tới. Phụ nữ Nhật được tiếng khéo chiều chồng, bà Nobuko không biết mình có khéo hay không nhưng bà biết luôn được chồng yêu thương và trân trọng, các con lớn lên trong khốn khó nhưng vẫn giữ được nếp học, gia phong, với bà thế là mãn nguyện rồi.


Những ngày bà được mời về làm phát thanh viên tiếng Nhật của Đài tiếng nói Việt Nam, vợ chồng nhiều lúc phải xa nhau. Cứ đầu tuần bà lại đạp xe lên Hà Nội, cuối tuần trở về Hải Dương, mãi về sau khi cuộc sống ổn định dần thì việc đi về mới đỡ hơn nhiều. Tính ông "khảnh” trong việc ăn uống nên đi đâu cũng chỉ mong về ăn một bữa cơm gia đình…


Bà Nobuko hay cười, thuộc mẫu phụ nữ nhân hậu và lạc quan. Suốt mấy chục năm làm mẹ, làm vợ với hàng chục lần chuyển nhà, di dời chỗ ở theo chồng con cũng đã tạo thành một thói quen với bà: "Giờ càng đi thì bà càng khoẻ”, ông Việt cho biết. Hiện bà Nobuko vẫn sống ở Sài Gòn cùng con gái, bà vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Nhật Bản, cả hai đều là quê hương yêu dấu của bà.

Đỗ Huệ (Đại Đoàn Kết)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện chưa kể về Lương Định Của