Có ý kiến cho rằng bảo hiểm vi mô bảo vệ đối tượng thu nhập thấp trước rủi ro có thể xảy ra, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần cân nhắc, làm rõ cơ sở và sự cần thiết quy định về loại hình bảo hiểm này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Theo chương trình, ngày 29.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Xử lý kịp thời hành vi vi phạm về kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.
Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự.
Một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm...
Một số quy định tại luật hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu...
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025."
Theo cơ quan soạn thảo, mục tiêu xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Mục tiêu tiếp theo là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
Dự thảo luật gồm 8 chương, 156 điều. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn, pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp, sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế, các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia; các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế...
Đối với nội dung về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo luật cơ bản giữ nguyên cách thiết kế của luật cũ, bổ sung thêm mục về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng, chống gian lận và giải quyết tranh chấp.
Về nội dung doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác...
Đáng chú ý, bảo hiểm vi mô được quy định mới bao gồm nội dung về đặc trưng bảo hiểm vi mô và các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô (Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô).
Bổ sung đầy đủ quy định về bảo hiểm vi mô
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật cho biết các nội dung của dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, dự thảo luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác.
Do đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến bảo hiểm vi mô (Chương IV), hiện có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với các quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật và cho rằng loại hình bảo hiểm này hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị cần cân nhắc, làm rõ cơ sở và sự cần thiết quy định về loại hình bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Ủy ban Kinh tế cho rằng để bảo đảm tính khả thi của luật, Cơ quan soạn thảo cần tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế-xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường.
Đồng thời, đánh giá việc trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo quy định tại Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24.2.2005 của Chính phủ.
Nội dung về bảo hiểm vi mô được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại phiên họp tổ.
Theo đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La), việc quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật là rất cần thiết, mang tính nhân văn, hướng đến đối tượng yếu thế trong xã hội, bao phủ bảo hiểm rộng khắp đến các đối tượng trong xã hội được tham gia và hưởng các chính sách, quyền lợi từ bảo hiểm.
Tuy nhiên, nội dung dự thảo luật và dự thảo các văn bản hướng dẫn kèm theo về bảo hiểm vi mô còn rất sơ sài.
Dự thảo có chương riêng về bảo hiểm vi mô nhưng chỉ có 2 điều và đều giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành mới chỉ có quy định về tổ chức bảo hiểm tương hỗ, còn quy định về đối tượng, sản phẩm bảo hiểm hay tiêu chí để xác định phí đóng bảo hiểm, quy định về thành lập, hoạt động, giải thể tổ chức bảo hiểm tương hỗ cũng chưa rõ ràng.
Trong khi đó, phạm vi quản lý nhà nước giao cho Bộ Tài chính mà lại không đề cập đến trách nhiệm chính quyền địa phương, trong khi đối với loại hình bảo hiểm này xác định nhóm đối tượng yếu thế cần gắn với địa bàn, tiêu chí nhất định cần được phân nhóm cụ thể.
Đại biểu Quàng Văn Hương chỉ rõ với quy định như dự thảo luật rất khó hình dung được việc tổ chức thực hiện trên thực tế.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát thiết kế lại quy định này, cùng với đó có đánh giá tác động cụ thể nhất là đối với các đối tượng thụ hưởng phù hợp với nhận thức, điều kiện địa bàn và điều kiện kinh tế; các quy định về điều kiện thụ hưởng bảo hiểm, giải quyết tranh chấp, sự kiện bảo hiểm, cụ thể mẫu hợp đồng, biên bản… cho nhóm đối tượng này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nhận định bảo hiểm vi mô và bảo hiểm nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp phải được cụ thể hóa, quy định một cách đầy đủ hơn trong dự thảo luật.
Việc chưa chú tâm cho thị trường bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp tức là những đối tượng thuộc lĩnh vực này chưa được bảo vệ quyền lợi, chưa thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp phát triển, cần thiết phải có loại bảo hiểm này.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) khẳng định bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp chính là bệ đỡ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa thực sự phát triển tại nước ta.
Hiện nay, các loại hình này chỉ được thí điểm trong thời gian nhất định, nguồn lực đa số từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong khi đây là sản phẩm thực sự cần thiết, góp phần giảm thiểu tổn thất do thiên tai.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp: quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất; từ đó có định hướng phát triển loại hình dịch vụ bảo hiểm này.
Theo TTXVN