Đánh giá hay đánh đố?

30/06/2018 08:56

Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc nhưng nhiều nỗi lo âu của học sinh và phụ huynh dường như mới bắt đầu.

Dư âm lớn nhất đọng lại của kỳ thi là những giọt nước mắt của thí sinh vì phải "cắn bút" trước những đề thi quá khó so với mặt bằng chung.

Chiều 27.6, trong buổi họp báo tổ chức ngay khi kỳ thi kết thúc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích đề thi năm nay khó hơn nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường phân hóa nhưng tất cả vẫn nằm trong nội dung chương trình lớp 11 và 12 học sinh đã học. Nội dung và cấu trúc đề thi tuân thủ đúng quy định. Dù những giải thích của bộ nghe rất hợp lý song vẫn không thể làm thay đổi được thực tế là cả học sinh lẫn giáo viên trong cả nước đều thấy đề thi quá khó so với chương trình chính khóa, khó hơn đề thi năm 2017 và đề thi minh họa bộ đã công bố trước đó.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế những đề thi mang tính chất đánh đố hơn là đánh giá học sinh cho thấy bộ này vẫn đang lúng túng trong việc xác định đích đến của kỳ thi THPT quốc gia. Mục tiêu cụ thể của kỳ thi này là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học đều chưa thực sự hiệu quả trong những năm qua. Đa số các trường đại học tốp trên vẫn phải sử dụng những cách kiểm tra năng lực thí sinh của riêng mình bên cạnh điểm thi THPT quốc gia. Ngày một nhiều các trường đại học tốp dưới sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Nghĩa là với những trường này, điểm thi THPT quốc gia không có nhiều ý nghĩa trong việc xét tuyển. Còn kết quả dùng để xét tốt nghiệp đã không ít lần khiến dư luận nghi ngờ. Khi thì số lượng điểm 10 tăng đột biến, khi thì thí sinh được 10 điểm môn toán, 0 điểm môn vật lý... Có năm tổ chức thi theo 2 cụm thì chính Bộ Giáo dục và Đào tạo nghi ngờ tính công bằng, chặt chẽ của cụm thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới gần 100% cũng làm giảm ý nghĩa của kỳ thi...

Đích đến cuối cùng của các kỳ thi là phải đánh giá được năng lực học sinh một cách chính xác, phù hợp với số lượng và mức độ kiến thức các em được tiếp thu trong quá trình học chính khóa. "Học gì thi nấy" là cách làm phù hợp nhất, song vẫn chưa thực hiện hiệu quả. Đề thi mang tính chất đánh đố như năm nay chỉ giải quyết được việc không xảy ra hiện tượng mưa điểm 10 như kỳ thi năm 2017, chứ chưa phản ánh sát kết quả học tập trong 3 năm THPT của học sinh. Đề thi quá khó còn gây tâm lý hoang mang cho những học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi này năm tiếp theo, đồng thời có thể làm gia tăng vấn nạn dạy thêm, học thêm.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" và ngay lập tức rút lại. Nguyên nhân là do dư luận phản ứng với mức kinh phí dự kiến khổng lồ để thực hiện dự án là 749 tỷ đồng trong khi nội dung đề án không thay đổi so với phương án thi THPT quốc gia năm nay. Sự lúng túng, luẩn quẩn trong cải cách thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn gắn với những số tiền khổng lồ như vậy cũng giống như một sự đánh đố người dân rằng mục đích thật sự của những đổi mới này là gì và đang mang lại lợi ích cho những ai?

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá hay đánh đố?