Sáng 29-6, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận tại tổ.
Đại biểu Vũ Hồng Hiên (Bình Giang). Ảnh: Thành Chung
Báo cáo cao hơn thực tế
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Vũ Hồng Hiên (Bình Giang) không đồng tình với đánh giá của ngành nông nghiệp trong sản xuất. Theo đại biểu Hiên, năng suất lúa bình quân vụ lúa vừa qua đạt 2,4 tạ/sào là không thực tế, năng suất thực tế thấp hơn. "Xuất hiện tình trạng nhiều địa phương muốn làm "đẹp" báo cáo nên đã nâng năng suất lên. Các địa phương nâng lên dẫn đến báo cáo của tỉnh bị sai", đại biểu Hiên nói. Theo đại biểu Hiên, ngành nông nghiệp không nên quá chú trọng vào sản lượng mà phải quan tâm đến giá trị nông sản. "Năng suất sẽ đến lúc bão hòa, không tăng mãi được. Chúng ta cần phải nhìn nhận lại cách đánh giá. Sản lượng thấp nhưng giá trị cao là được. Hiệu quả phải đặt lên hàng đầu", đại biểu Hiên nêu quan điểm. Đại biểu Hiên đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác xúc tiên thương mại để tiêu thụ nông sản cho bà con. "Không chỉ có vải thiều mà các nông sản khác cũng cần được tỉnh quan tâm xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân", đại biểu Hiên nói.
Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) đề nghị tỉnh cần quan tâm đến giá trị sản phẩm nông nghiệp chứ không nên đặt nặng năng suất. "Nhiều nơi, nông dân đã chuyển sang trồng cây chất lượng cao mang lại giá trị cao hơn mặc dù năng suất không cao", đại biểu Mạnh nói. Đại biểu Mạnh cũng đề nghị tỉnh phải siết chặt việc quản lý phân bón, thuốc trừ sâu: "Thị trường đang xuất hiện một loại phân trung tính lập lờ về thành phần, chất lượng chưa được kiểm định. Thị trường thuốc trừ sâu cũng phức tạp. Nhiều loại thuốc trừ sâu bị nhập nhèm về nhãn mác làm cho người dân không biết lựa chọn thế nào".
Sớm công bố mức hỗ trợ xã về đích NTM
Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà). Ảnh: Thành Chung
Theo các đại biểu Vũ Hồng Hiên (Bình Giang), Lê Văn Dũng (Thanh Hà), Ngô Thị Thu (Kim Thành), việc huy động nguồn lực của dân trong xây dựng NTM đang gặp khó khăn. Trong khi đó nguồn lực chính để xây dựng NTM chủ yếu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nguồn lực này đang gặp khó khăn khi thủ tục thực hiện đấu giá rất phức tạp, nhiều nơi mức giá sàn cao hơn thực tế. "Có những nơi đưa ra đấu giá nhiều lần không thành vì không ai mua do giá cao hơn giá thị trường", đại biểu Hiên nói. Đại biểu Hiên đề nghị tỉnh cần quan tâm hỗ trợ những xã khó khăn để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các xã.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hiên, đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà), Ngô Thị Thu (Kim Thành) đề nghị tỉnh sớm công bố mức hỗ trợ cho các xã đăng ký về đích NTM năm 2016 theo hướng cao hơn mức 8 tỷ đối với những xã được hỗ trợ năm 2015. "Đến tháng 6 rồi mà tỉnh vẫn chưa có thông báo mức hỗ trợ. Nếu chỉ có thời gian 4-5 tháng để thực hiện sẽ rất khó. Tôi đề nghị tỉnh cần có quyết định hỗ trợ sớm hơn", đại biểu Dũng nói.
Đại biểu Thu cho rằng hiện nay các địa phương mới chỉ quan tâm đến đầu tư hạ tầng mà chưa quan tâm đến hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân: "Xây dựng NTM là phải thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân chứ không chỉ đầu tư cho xây dựng cơ bản".
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vũ Ngọc Long. Ảnh: Thành Chung
Làm rõ việc vướng mắc trong thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương, ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện nay thủ tục để chuyển đổi mục đích sử đất khá thông thoáng. Ách tắc mà đại biểu nêu có thể do địa phương chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi, đất cần chuyển đổi mục đích sử dụng không nằm trong quy hoạch của tỉnh. Do đó, lãnh đạo các địa phương quan tâm chủ động đưa vào quy hoạch để đấu giá thu tiền vào ngân sách.
Về việc giá đề xuất cao hơn giá thị trường dẫn đến việc đấu giá không thành, ông Long cho biết việc tính giá được thực hiện rất chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Để tháo gỡ việc này, ông Long đề nghị địa phương nào gặp khó phải báo cáo để sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét giảm giá cho phù hợp. Tuy nhiên, ông Long cũng khuyên các địa phương "không bán đất bằng mọi giá" vì quỹ đất thì có hạn. "Những nơi giá đã thấp mà bán vẫn không ai mua là do thị trường giảm chứ chưa chắc đã phải do giá cao", ông Long nói.
Kết luận vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị các địa phương nghiên cứu tính toán từ nhu cầu thực tế của người dân để đưa ra nguồn cung phù hợp. "10 hộ có nhu cầu nhưng lại đưa ra 100 lô thì làm sao bán được", đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển nói.
Về việc phân bổ ngân sách cho những xã đăng ký về đích NTM trong năm 2016, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển cho biết nguồn này không nhiều, vào khoảng 100 tỷ nhưng phải chờ Chính phủ phê duyệt. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý các địa phương phải chủ động kinh phí trong xây dựng NTM, không nên trông chờ vào cấp trên. Tháng 7-2016, tỉnh sẽ công bố cụ thể những xã nào được hỗ trợ, hỗ trợ bao nhiêu để các địa phương chủ động thực hiện. Tới đây, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt, không để nợ đọng, không để người dân phải đóng góp nhiều khi xây dựng NTM. "Mục đích cuối cùng của việc xây dựng NTM là đời sống của nhân dân phải được nâng lên. Từ 2016, khi công nhận xã NTM phải đánh giá mức nợ đọng xây dựng cơ bản và chất lượng cuộc sống của người dân", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển kiên quyết.
PV